12 loại rau củ dễ trồng ngay trong nhà, vừa đẹp vừa tiện cho người nội trợ
Wiki

12 loại rau củ dễ trồng ngay trong nhà, vừa đẹp vừa tiện cho người nội trợ

Trong bài viết dưới đây, AnPhatLand sẽ gợi ý cho bạn đọc 12 loại rau củ dễ trồng ngay trong nhà, vừa làm đẹp không gian sống, vừa tiện cho người nội trợ khi nấu nướng, chăm sóc gia đình. 

1. Ớt

Cây ớt nhiều màu

Là loại gia vị cực phổ biến trong các món ăn Việt cũng như món Âu, ớt rất dễ trồng, có thể phát triển tốt ở nơi ấm áp, đủ ánh sáng mà không chiếm quá nhiều không gian. Bạn có thể trồng ớt trong chậu hay thùng xốp đặt ở góc ban công, trong phòng khách hay thậm chí ngay trong bếp. Nên lưu ý duy trì nhiệt độ ở mức 25-27 độ C để cây phát triển tốt nhất. Một cây ớt nhỏ có thể ra tới 50 quả, cho bạn tha hồ trổ tài nấu nướng. Bên cạnh đó, màu sắc sặc sỡ, bắt mắt của ớt cũng khiến nhiều người yêu thích, trồng ớt như cây cảnh trang trí nhà.  

2. Cà rốt

Cây cà rốt trồng trong đất

Với cây cà rốt, bạn nên chọn các giống củ nhỏ, trồng ở nơi có nhiều ánh sáng như ban công hoặc bệ cửa sổ. Cà rốt ưa đất ẩm nhưng phải thoát nước tốt, không bị úng. Nhiệt độ lý tưởng cho cà rốt phát triển là từ 13-24 độ C. Nếu không có chậu hay thùng, bạn có thể tìm chai nhựa, cắt bỏ phần nắp, đục lỗ thoát nước và trồng cà rốt ngay vào đó. Trong điều kiện thích hợp, cà rốt sẽ sẵn sàng thu hoạch trong vòng 80-90 ngày. Trong thời gian này, nó có thể trở thành một loại cây trang trí nội thất cực xinh và độc đáo.

3. Bạc hà

Chậu cây bạc hà trên bệ cửa sổ

Bạc hà nổi tiếng là một loại cây dễ trồng, có thể ươm từ hạt hoặc gốc cây già ở nơi có đủ ánh sáng (nhưng tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp trong thời gian dài), được tưới nước thường xuyên. Bạn có thể trồng cây trên bậu cửa sổ hoặc ngoài ban công. Nhiệt độ tối ưu để cây phát triển là từ 20-25 độ C. Bạc hà đâm chồi nhanh sau khi vặt lá nên thỉnh thoảng bạn có thể thu hoạch lá để pha một tách trà bạc hà thơm mát và thưởng thức.

4. Hành tây

Hành tây trồng trong chậu

Hành tây không yêu cầu ở người trồng bất kỳ kỹ năng đặc biệt nào, chỉ cần nhớ những điều cơ bản sau: đất tốt, dễ thoát nước, chăm bón phân là đủ. Khi bắt đầu trồng hành tây, nên đặt chậu ở nơi tối, nhiệt độ mát mẻ để kích thích củ ra rễ, sau đó mới mang ra nơi nhiều ánh sáng để lá vươn lên. Nhiệt độ tối ưu đối với hành tây là từ 18-20 độ C, tuy nhiên, nó vẫn phát triển khá ổn ở ngoài khoảng nhiệt độ này.

5. Húng quế

Cây húng quế hai màu

Dù được trồng ngoài vườn, trong chậu hay thùng xốp, húng quế vẫn có thể lớn nhanh nếu có đủ ánh sáng, nhiệt độ mát mẻ (khoảng 20-25 độ) và được tưới nước thường xuyên. Khi cây đạt chiều cao khoảng 15 cm là bạn có thể thu hoạch những chiếc lá đầu tiên. Nên thường xuyên tỉa nhánh để cây nảy chồi mới, ngoài ra bạn cũng cần loại bỏ mầm hoa để giữ cây “trẻ” lâu hơn. Vào mùa đông, nếu trong nhà quá tối, bạn có thể mang cây ra ban công hoặc thắp thêm đèn.

6. Dưa chuột

Dưa chuột trồng trong nhà

Nếu muốn trồng dưa chuột trong nhà, bạn nên chọn giống lai F1 vì loại này chỉ cho ra hoa cái, đạt tỷ lệ đậu quả cao hơn. Mỗi cây dưa chuột được chăm sóc đúng cách có thể cho từ 3-4 quả. Tưới nước thường xuyên và bón phân thích hợp sẽ thu được quả to hơn. Nhiệt độ tối ưu để dưa chuột phát triển là từ 21-24 độ C.   

7. Cà chua

Cà chua trồng trong chậu treo

Cà chua bi là giống cà chua thích hợp nhất để trồng trong nhà. Giống này có thể cho quả liên tục quanh năm, màu sắc và hình dáng quả khá hấp dẫn, đẹp mắt. So với các loài cây trong bài viết này, cà chua đòi hỏi người trồng phải chăm sóc kỹ lưỡng hơn, thường xuyên giữ ẩm đất nhưng phải thoát nước tốt để tránh ngập úng, tránh nhiệt độ lạnh. Cây phát triển tốt nhất ở khoảng nhiệt độ từ 23-25 ​​độ C.

8. Rau chua Sorrel

Cây rau Sorrel

Cây rau chua Sorrel là giống rau gia vị phổ biến trong nền ẩm thực Pháp, nổi tiếng vì độ thơm ngon, tốt cho sức khỏe. Loại rau này rất dễ trồng, có thể ươm từ hạt, rễ, cành già hoặc ghép cành. Tốt nhất là gieo trồng vào mùa xuân hoặc đầu mùa thu. Cây sống khỏe ngay cả trong thời tiết lạnh giá, ít ánh nắng mặt trời. Có thể thu hoạch lá khi cây đạt chiều cao khoảng 10-12cm.

9. Gừng

Cụm hoa gừng

Cũng là loại gia vị không thể thiếu trong căn bếp, gừng còn có nhiều ứng dụng trong đời sống hàng ngày như trị bệnh, giải rượu bia,… Trồng gừng cũng không đòi hỏi kỹ thuật cao siêu, bạn chỉ cần mua một củ gừng nhỏ, trồng vào đất, giữ ẩm rồi chờ những mầm xanh nhú lên. Nhiệt độ tối ưu để gừng phát triển là từ 20-25 độ C. Khi thu hoạch, bạn có thể để lại vài củ để tiếp tục nhân giống. 

10. Dứa

Cây dứa

Trồng dứa trong nhà đòi hỏi khá nhiều công sức cũng như sự kiên nhẫn, nhưng cũng rất đáng thử! Bạn hãy tìm mua loại dứa ngon, cắt bỏ bớt một phần lá, đảm bảo gốc và cụm lá còn lại vẫn còn nguyên để rễ có thể phát triển từ đây. Để cuống dứa khô tự nhiên trong vòng 3-4 ngày, sau đó trồng vào đất ẩm, để ở nơi có ánh sáng mặt trời ít nhất 6 tiếng mỗi ngày. Có thể phải mất 6-8 tuần để rễ phát triển đủ khỏe và nhiều tháng, thậm chí cả năm để cây ra hoa. Nhiệt độ tối ưu đối với dứa là từ 23-30 độ C.

11. Dâu tây

Chậu dâu tây treo dưới mái hiên

Dâu tây dễ trồng, có thể ra trái quanh năm nếu được chăm sóc tốt. Không nên ươm hạt mà nên chọn mua cây nhỏ để rút ngắn thời gian. Nhiệt độ thích hợp với dâu tây là từ 18-24 độ C. Mất khoảng 3-4 tháng để cây trưởng thành và cho ra những quả đầu tiên. Bạn nên cắt bỏ lứa hoa đầu tiên để lứa hoa sau đậu quả nhiều hơn. Lưu ý, trồng dâu tây trong nhà thường ít được côn trùng thụ phấn nên để đậu quả, bạn có thể thụ phấn cho hoa bằng một chiếc bàn chải nhỏ hoặc cọ vẽ, cọ trang điểm cũ.

12. Xạ hương (húng tây)

Chậu cây xạ hương

Xạ hương là một loại thảo mộc đáng chú ý nhờ mùi vị thơm ngon và rất dễ trồng. Chỉ cần ở cung cấp cho cây đủ ánh sáng, tưới nước thường xuyên, đặc biệt là không lạm dụng phân bón với xạ hương vì cây dễ bị “bội thực” mà chết. Xạ hương có thể trồng từ hạt hoặc giâm cành đều được.

Hương Liên

>> Trồng rau từ gốc bỏ đi – bạn đã biết cách?

>> 15 cây cảnh tốt cho sức khỏe nên có trong nhà bạn

>> Tại sao ai cũng nên trồng ít nhất một cây cảnh trong nhà?

Chia sẻ:
Related Posts
Nhà đá ong siêu độc lạ giữa đất Sài Gòn của gia đình yêu thiên nhiênTh11 13, 2024
Nhà đá ong siêu độc lạ giữa đất Sài Gòn của gia đình yêu thiên nhiên

Quá trình xây dựng ngôi nhà của gia đình chị Phan Kim Hằng (34 tuổi) ở quận Thủ Đức, TP.HCM mất tới...

Bộ Công an kiến nghị không chuyển condotel, officetel thành nhà ởTh11 13, 2024
Bộ Công an kiến nghị không chuyển condotel, officetel thành nhà ở

Bộ Công an kiến nghị không chuyển đổi loại hình condotel, officetel sang nhà ở vì đây là loại hình t...

Văn phòng "đáng để làm việc" khơi nguồn cảm hứng sáng tạo bất tậnTh11 12, 2024
Văn phòng "đáng để làm việc" khơi nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận

Nếu như nhà ở ngày nay được thiết kế theo hướng là nơi “đáng sống” thì văn phòng cũng dần hướng tới...