Biết lượng sức mình khi mua nhà, vợ chồng tôi không "hụt hơi" vì Covid-19
Wiki

Biết lượng sức mình khi mua nhà, vợ chồng tôi không "hụt hơi" vì Covid-19

Lê Nhi

Dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Chung (31 tuổi) về hành trình mua nhà Hà Nội và những bài học xương máu mà anh đúc rút ra được.

Vợ chồng tôi đều là dân tỉnh lẻ (tôi quê Bắc Ninh, vợ Nam Định) lên Hà Nội học tập và lập nghiệp. Tôi dạy ở một trường cao đẳng, lương tạm ổn nhưng không có kế hoạch tài chính rõ ràng từ trước, làm được 10 đồng thì tiêu hết 9; còn vợ tôi làm giáo viên mầm non ở trường tư, thu nhập trung bình. Vì thế mà sau khi cưới, chúng tôi không có một khoản tiết kiệm nào cả. Gia đình 2 bên ở quê đều làm nông, kinh tế trông vào mấy sào ruộng nên chỉ đủ ăn, không hỗ trợ được gì nhiều. Chúng tôi xác định mình sẽ ở trọ vài năm để tiết kiệm tiền mua nhà Hà Nội, đồng thời phải dựa vào sức mình là chính, gia đình chỉ ủng hộ về mặt tinh thần.

Tổng thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng ở mức 30 triệu đồng nhưng do phải thuê nhà cộng với chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở thủ đô thì chẳng dư được bao nhiêu. Chúng tôi lên kế hoạch chi tiêu sao cho mỗi tháng để ra được ít nhất 15 triệu đồng. Chúng tôi ưu tiên thuê nhà gần chỗ vợ làm để vợ đỡ tốn công sức di chuyển. Đó là căn nhà cấp 4 có gác xép nằm trong một con ngõ ở phố Yên Hòa (Cầu Giấy), có giá thuê 3,6 triệu đồng/tháng. Ngôi nhà 35m2 được xây với mục đích để cho thuê nên rất tạm bợ, sơ sài, sau vài lượt khách thuê thì đã xuống cấp. Dù người thuê trước đã sơn sửa lại nhưng không che hết được những vết thấm mốc. Nhà cũng được chia thành các phòng khác nhau như phòng khách kết hợp để xe, phòng ngủ, bếp và phòng vệ sinh nhưng vì diện tích nhỏ dẫn tới có phần bí bách, thiếu sáng và ẩm thấp. Khi ở trong nhà thì dù ban ngày cũng phải bật hết đèn lên. Bù lại, vị trí nhà rất gần nơi làm việc của cả 2 vợ chồng, đi lại thuận tiện, không lo tắc đường; điện, nước tính theo giá nhà nước khá rẻ, lại có phòng bếp riêng nên chúng tôi tặc lưỡi bỏ qua những bất tiện kể trên.


Nhà đi thuê khá bí bách và thiếu sáng. Ảnh minh họa

Rồi cứ thế 2 năm trôi, vợ chồng tôi đón con gái đầu lòng. Tôi chuyển chỗ làm, lương tăng gấp rưỡi nhưng chi phí sinh hoạt cũng tăng lên, giá nhà đất Hà Nội thì tăng chóng mặt khiến ước mơ có một tổ ấm riêng ngày càng xa vời. Hai vợ chồng nhẩm tính phải đến 5 năm nữa chúng tôi mới có thể sở hữu một ngôi nhà thực sự khi khoản tiền tiết kiệm đủ lớn. Nhưng cuộc viếng thăm của “vị khách không mời” đã làm thay đổi tất cả. Còn nhớ đó là một đêm mưa, nhân lúc vợ chồng tôi đang say ngủ, kẻ gian vào nhà lấy đi toàn bộ tiền mặt, 2 chiếc điện thoại và máy tính xách tay, ước tính thiệt hại khoảng 70 triệu đồng. Không chỉ thiệt hại về vật chất mà những ngày sau đó, vợ tôi bị ám ảnh đến mức thường xuyên giật mình thức giấc giữa đêm mỗi khi nghe thấy tiếng lạch cạch ngoài cửa. Chưa khi nào ước mơ có một ngôi nhà an toàn, vững chãi lại cháy bỏng trong tôi đến vậy. Và hành trình tìm nhà Hà Nội của chúng tôi bắt đầu từ đó.

Ước tính số tiền tiết kiệm khoảng 400 triệu đồng sau 2 năm hôn nhân và tổng thu nhập hàng tháng ở mức trung bình, chúng tôi có ít lựa chọn và chắc chắn sẽ phải vay ngân hàng đến 70% giá trị nhà. Không có nhiều thời gian đi tìm hiểu trực tiếp, tôi đã vào website AnPhatLand khảo sát và so sánh thì thấy rằng với tầm tiền eo hẹp như vậy, nếu mua nhà đất, chúng tôi sẽ chỉ mua được đất rất nhỏ, nằm trong ngõ sâu hun hút và thường là nhà 4 đã cũ mà vẫn phải đi xa khiến chúng tôi lo ngại an ninh không đảm bảo giống như căn trọ mình đang ở. Sau nhiều suy tính, đắn đo, phương án cuối cùng của chúng tôi là mua chung cư vì muốn có không gian sống rộng rãi, thoáng đãng hơn, lại được đảm bảo an ninh.

Dự án chung cư mà vợ chồng tôi nhắm đến nằm ở Hà Đông, đang trong giai đoạn hoàn thiện và sẽ bàn giao trong tháng tới. Dù quãng đường đi làm xa gấp 3 lần so với trước đó nhưng đường xá thông thoáng, ít khi tắc nghẽn, vị trí dự án lại gần đại siêu thị, chợ dân sinh, xung quanh có nhiều trường học nên vợ tôi rất ưng.

Môi giới dẫn chúng tôi đi thăm 2 căn hộ. Căn thứ nhất gồm 2 phòng ngủ, 2 phòng vệ sinh và không gian sinh hoạt chung, diện tích 65m2 không quá rộng rãi nhưng đủ đáp ứng nhu cầu của gia đình trẻ. Căn này có giá 1,32 tỷ đồng, người bán đồng ý gia lộc 10 triệu và chịu mọi khoản phí sang tên.

Căn thứ hai rộng 86m2, bố trí thành 3 phòng ngủ, rộng rãi hơn, lại là căn góc nên có tới 2 mặt thoáng, người bán cần tiền gấp nên chấp nhận mức giá 1,55 tỷ nhưng không “bao sang tên”. Nếu chọn căn hộ này thì vợ chồng tôi sẽ không cần đổi nhà khi sau này sinh thêm bé trai. Tôi rất thích căn hộ này và động viên vợ “cố” thêm chút nữa để có nhà to đẹp hơn nhưng vợ cho rằng như vậy sẽ phải vay đến 75% giá trị ngôi nhà, áp lực nợ nần rất lớn và quá rủi ro. Bố tôi biết chuyện cũng gọi điện lên nói rằng: “Mình không có tiền thì nên liệu cơm mà gắp mắm con ạ”. Dù rất thích căn thứ hai nhưng sau khi đánh giá khả năng tài chính của mình, chúng tôi “chốt” căn 2 phòng ngủ và hẹn ngày làm hợp đồng.

Sau đó, kế hoạch xoay tiền mua nhà bắt đầu. Vợ chồng tôi chỉ có hơn 400 triệu, như vậy thiếu khoảng hơn 900 triệu nữa. Chúng tôi hỏi vay bạn bè, người thân, mỗi người một ít, tích tiểu thành đại với phương châm “chỉ vay của người giàu” để tránh bị đòi nợ đột xuất. Khi vay ai, chúng tôi đều giao hẹn trước là khoảng bao lâu có thể trả được. Người cho vay 50 triệu, người 20 triệu, người 10 triệu… tổng cộng được khoảng 400 triệu, không lãi suất. Số tiền còn thiếu chúng tôi thế chấp chính hợp đồng mua bán nhà để vay ngân hàng 500 triệu nữa. Như vậy, tổng cộng số tiền mà vợ chồng tôi vay khoảng 900 triệu. Chúng tôi chọn vay ở ngay chính ngân hàng bảo lãnh cho dự án và được môi giới hỗ trợ nhiệt tình nên thủ tục vay khá đơn giản, nhanh chóng.

Các thủ tục sang tên được hoàn tất cũng là khi dự án bàn giao. Đêm trước ngày về nhà mới, vợ mừng đến nỗi không thể ngủ được. Còn tôi như trút được gánh nặng vì từ nay vợ con mình đã có một nơi ở rộng rãi, an ninh đảm bảo. Niềm vui có nhà Hà Nội như tiếp thêm động lực để vợ chồng tôi “cày cuốc”. Để đỡ con cái, bố mẹ tôi gom góp rau sạch, gà, vịt nhà nuôi trồng gửi ra. Hàng tháng, ngoài khoản nợ phải trả ngân hàng, vợ chồng tôi đều trích riêng một khoản nhỏ để trả dần cho bạn bè, người thân.


Căn hộ nhỏ nhưng đủ dùng cho vợ chồng trẻ cùng đứa con nhỏ

Đùng một cái, Covid-19 ập đến, Hà Nội giãn cách, trường mầm non đóng cửa để phòng dịch, đồng nghĩa với việc vợ tôi phải nghỉ không lương. Gia đình mất đi một nguồn thu nhập cộng thêm lo lắng về dịch bệnh gia tăng khiến chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Vợ tôi ở nhà vừa trông con, vừa tranh thủ lấy hàng từ quê, làm thêm bánh, đồ ăn sáng… để bán cho cư dân, lời lãi không nhiều, chỉ đủ trang trải tiền ăn uống hàng ngày. Trường tôi vẫn tổ chức dạy học trực tuyến nên không ảnh hưởng đến thu nhập. Tôi bàn với vợ gọi điện cho bạn bè, người thân xin giãn nợ. May mắn là những người cho gia đình tôi vay đều có điều kiện kinh tế khá giả, dịch bệnh không quá ảnh hưởng đến mức sống của họ nên mọi người đều cảm thông. Nhờ vậy mà thời điểm xảy ra dịch bệnh, chúng tôi chỉ phải trả một phần gốc và lãi ngân hàng khoảng 11 triệu đồng. Khoản nợ lúc này vẫn trong khả năng chi trả của vợ chồng tôi.

Tôi đã chứng kiến sức tàn phá kinh khủng của Covid-19 đối với những người xung quanh. Covid-19 phá vỡ kế hoạch trả nợ của nhiều gia đình, khiến không ít người phải cắn răng bán nhà vì không “kham” nổi lãi ngân hàng. Bản thân tôi thấy vợ chồng mình vẫn may mắn khi giữ được ngôi nhà này. Nếu trước đó, chúng tôi không biết lượng sức mình mà cố lấy căn hộ lớn hơn, phải vay mượn ngân hàng, bạn bè nhiều hơn thì cũng khó có thể trụ được. Tôi cũng nghiệm ra rằng, dù nhiều ngân hàng cho người mua nhà vay tới 70-80% giá trị căn nhà nhưng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nếu không tích lũy tối thiểu 50% giá trị căn hộ và tổng thu nhập gia đình không được 35 triệu đồng/tháng thì chưa nên nghĩ đến chuyện mua nhà. Người mua nhà không thể lúc nào cũng duy trì mức thu nhập ổn định để trả tiền vay, lãi vay. Đợt dịch Covid-19 vừa qua đã chứng minh điều đó, nhiều người vay tiền mua nhà nhưng mất việc làm, giảm thu nhập đành phải bán tống, bán tháo để giải thoát khỏi nợ nần.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả và không đại diện cho quan điểm của AnPhatLand

Khánh An

>> [Cập nhật] Lãi suất ngân hàng vay mua nhà tháng 10/2021

Chia sẻ:
Related Posts
Điều kiện nào để giao dịch dân sự về nhà ở đảm bảo có hiệu lực?Th09 22, 2024
Điều kiện nào để giao dịch dân sự về nhà ở đảm bảo có hiệu lực?

Giao dịch dân sự về nhà ở thông qua hợp đồng chuyển nhượng hoặc các hành vi pháp lý khác đang diễn r...

Cập nhật diện tích tối thiểu được tách thửa đất theo luật mới nhấtTh09 21, 2024
Cập nhật diện tích tối thiểu được tách thửa đất theo luật mới nhất

Bao nhiêu mét vuông thì được tách sổ đỏ là thắc mắc chung của nhiều người sử dụng đất, trong khi trê...

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu rà soát, kiểm tra mô hình kinh doanh farmstayTh09 21, 2024
Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu rà soát, kiểm tra mô hình kinh doanh farmstay

Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trun...