Căn hộ tập thể cũ nằm trong khu nhà được xây dựng từ năm 1985 ở Hà Nội nên phần nền móng đã yếu đi nhiều. Căn hộ nằm ở tầng 1, hình dạng dài, các phòng được ngăn kín bằng tường và cửa kính làm cho không gian thêm phần bí bức, thiếu “không khí tươi” thông phòng. Khi hè đến, nhiệt độ ngoài trời tăng cao, độ ẩm không khí thấp, hơi nước bốc lên ngay cả ở trong biến ngôi nhà thành một buồng xông hơi. Chưa kể, nước thấm ngược từ những bể nước phía trên tường xây khiến căn hộ luôn luôn trong tình trạng ẩm ướt. Nhà đã hư hại nặng, lại ẩm mốc, gần như không thể sinh sống.
Khu tập thể nằm trong ngõ 29 Vũ Thạnh (Hà Nội) được xây dựng từ năm 1985 với “đặc sản” là “chuồng cọp, lồng chim” giăng kín.
Hiện trạng nhà tập thể cũ tồn tại nhiều nhược điểm: tường sũng nước, nền gạch vỡ toác, vữa sơn bong từng mảng, nấm mốc mọc khắp mọi nơi, điện nước xuống cấp…
Bài toán đặt ra cho KTS Đoàn Trung Kiên không đơn giản chỉ là cải tạo lại diện mạo căn nhà mà còn phải giải quyết vấn đề vi khí hậu, đồng thời tìm kiếm vật liệu phù hợp với phần nền sẵn có.
Mặt bằng nhà tập thể cũ sau cải tạo và mặt bằng ban đầu.
Về vật liệu, KTS sử dụng đất sông Hồng (con sông đóng vai trò quan trọng trong tâm thức người Hà Nội) để sơn tường. Xét về mặt thẩm mỹ, lớp sơn đất là sự tôn vinh văn hóa bản địa. Các ngôi nhà truyền thống Việt Nam trước đây vẫn sử dụng đất như một loại vật liệu địa phương, sẵn có, rẻ tiền và thân thiện với con người, với môi trường. Xét về tính hiệu quả, thay vì quét lên một lớp sơn công nghiệp đặc quánh, hoàn toàn ngăn nước thấm ra ngoài, lớp đất tự nhiên giúp nước dễ dàng thoát lên bề mặt, làm tường thông thoáng hơn. Không khí lưu thông trong nhà sẽ mang theo hơi nước nhanh chóng bay đi khiến căn nhà luôn thoáng mát mà không bị ẩm ướt – điều rất quan trọng với một công trình ở khí hậu nhiệt đới.
Quá trình test màu khá tốn thời gian.
KTS Trung Kiên chia sẻ, đất sông Hồng cho cảm giác hơi sần, màu sắc dễ chịu, hơi nồng nhẹ… tất cả những thứ đó là điều mà vật liệu công nghiệp không bao giờ có thể tái tạo được.
Về mặt vi khí hậu, KTS nhận thấy việc sử dụng tường đặc và kính càng khiến tình trạng ẩm mốc trở nên tồi tệ hơn nên đã mở toàn bộ không gian và sử dụng mành tre (cũng là một vật liệu truyền thống của Việt Nam) để ngăn cách không gian. Với sự trợ giúp của những chiếc quạt trần, căn nhà luôn có không khí lưu thông, không khí bên trong và bên ngoài liên tục luân chuyển, đổi chỗ khiến căn nhà luôn thông thoáng, dễ chịu.
Về mặt không gian, với mục đích sử dụng tương lai là không gian cà phê mở, KTS cố gắng tối đa hóa các kiểu ngồi dành cho thực khách. Phía trước nhà là không gian linh hoạt, sử dụng đồ nội thất bằng mây tre, dễ dàng di chuyển để chuyển đổi công năng, chẳng hạn làm nơi như tổ chức các buổi workshop nhỏ.
Mặt tiền hiện trạng xập xệ được mở rộng và vẫn giữ lại được giàn cây hoa giấy xinh xắn.
Sử dụng mành tre để ngăn cách không gian thay cho kính và tường đặc.
Căn hộ nằm ở tầng 1 và hiện trạng cũ không có sân nên KTS đã cố tạo một khoảng sân sỏi nhỏ nhằm mở rộng tầm nhìn.
Không gian từ bên trong nhìn ra sân sỏi rồi ra ngoài ngõ.
Chao đèn bằng tre mộc mạc, ăn khớp hoàn toàn với tổng thể không gian.
Tiếp theo là không gian pha chế và trưng bày các sản phẩm thủ công của các nghệ nhân Việt. Ở đây, KTS tạo nhiều kiểu dáng kệ trưng bày như hốc trang trí, các thanh ngang cho phù hợp với từng tác phẩm nghệ thuật.
Cấu trúc tường nhà tập thể cũ khá dày cho phép KTS đục những chiếc hốc để đồ và giá kệ xinh xắn.
Tạo hình mà những giá kệ gỗ khó làm được…
Phía trong cùng là không gian làm việc, KTS bố trí bàn ghế cao, bài trí đơn giản và tiện dụng cho phù hợp với những khách có nhu cầu ngồi lại lâu hơn. Cuối cùng là phần sân mặt trước và sau, nơi đây được trải nền sỏi, bố trí nội thất mây tre tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên.
Trong quá trình thi công, đội ngũ KTS còn gặp phải một vấn đề nữa là nền căn hộ cũ thấp hơn so với mặt đường rất nhiều (khoảng hơn 20cm) trong khi trần nhà rất thấp (chiều cao thông thủy chỉ gần 2,7m). Nếu tôn nền nhà cao bằng đường vô hình trung làm giảm chiều cao thông thủy căn hộ, gây bất tiện về sử dụng và thông gió. Vì thế, KTS quyết định đánh dốc mạnh để thoát nước nhanh và trải sỏi trên nền đất để nền không bị quá ướt khi mưa xuống. Cách làm này cũng tạo cảm giác thiên nhiên hơn.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, những công trình đẹp với lối thiết kế xanh, thân thiện với môi trường như trên ngày càng được chú trọng. Đó sẽ là nơi để con người thư giãn, gắn kết lại với thiên nhiên, góp phần xoa dịu nỗi sợ hãi, lo lắng về dịch bệnh.
Thông tin dự án:
Khánh An (biên tập)
>> Lột xác căn hộ 10 năm tuổi tồi tàn, ẩm thấp ở Hà Đông với 270 triệu đồng
NDC House tọa lạc ở quận 1, quận đô thị trung tâm thuộc TP.HCM. Ngôi nhà ống có tổng diện tích sử dụ...
Nhiều địa phương (Lạng Sơn, Kiên Giang, Đồng Nai) đã ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) áp...
Với những dự án nhà ở sinh viên không hiệu quả, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng ch...