Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau – tuyến cao tốc được ví như “xương sống” của miền Tây – được khởi công từ đầu năm 2023 nhưng tiến độ đang bị chậm so với dự kiến do thiếu vật liệu cát đắp nền.
Dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau trực thuộc dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, được xem là tuyến đường cao tốc quan trọng bậc nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến cao tốc có điểm đầu tại nút giao IC2 nối vào Quốc lộ 91 – Nam Sông Hậu, TP. Cần Thơ; kết thúc tại điểm nối với tuyến tránh TP. Cà Mau.
Xem thêm: Cao Tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng Khởi Công
Tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau được khởi công vào ngày 1/1/2023, dự kiến thông xe giai đoạn 1 vào đầu năm 2026. Tuy nhiên, tính từ thời điểm khởi công cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, các nhà thầu đã thi công được 7 tháng nhưng tiến độ rất chậm so với kế hoạch.
Cập nhật tiến độ đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau mới nhất, tính đến cuối tháng 7/2023, dự án mới thi công được khoảng 5%. Với tiến độ này, dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau khó đạt mục tiêu hoàn thành 35% trong năm 2023.
Được biết, tiến độ thi công chậm trễ này là do thiếu vật liệu, cụ thể là cát đắp nền đường. Toàn dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau cần khoảng 18,5 triệu m3 cát đắp nền, nhưng hiện tại mới chỉ có 0,3 triệu m3 do tỉnh Đồng Tháp cung cấp, tương ứng với 2% nhu cầu.
Do thiếu cát, các nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, các nhà thầu chỉ có thể thi công các hạng mục như đào bóc hữu cơ, làm đường công vụ, làm cầu và cầu tạm, đắp bờ bao các đoạn tuyến đã có mặt bằng,… Tại nhiều địa phương trên toàn tuyến, các đoạn đường đã được giải phóng mặt bằng nhưng vì thiếu cát nên nhà thầu đang cho lót vải, bạt chờ thi công.
Tình trạng thiếu cát diễn ra trong bối cảnh Đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy mạnh thi công các dự án hạ tầng quan trọng. Do đặc điểm địa chất của khu vực này là nền đất yếu nên các dự án làm đường đòi hỏi nhiều cát đắp nền hơn. Chỉ riêng 2 dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đã cần tới 39 triệu m3 cát.
Để đẩy nhanh tiến độ cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long được giao ưu tiên bố trí nguồn cát đắp cho dự án này. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng chỉ đạo các địa phương đơn giản hóa các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu san lấp làm đường, nâng công suất khai thác tại các mỏ hiện có lên 50%.
Theo tiến độ dự kiến, đến tháng 5/2024, toàn dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông phải thi công xong toàn bộ hạng mục đắp nền để chờ lún thì mới có thể hoàn thành vào năm 2025 như kế hoạch.
Dự án cao tốc Cà Mau-Cần Thơ có chiều dài toàn tuyến gần 110km, đi qua 5 tỉnh, thành thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Khi hoàn thành, đây sẽ là trục “xương sống mới” trong kết nối nội và liên vùng. Với đoạn Cần Thơ-Cà Mau hoàn thành, cao tốc Bắc – Nam sẽ được thông tuyến từ TP.HCM- Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Đồng thời, dự án cũng sẽ kết nối các tuyến cao tốc “trục ngang” như Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu.
Dự án này được chia thành 2 dự án thành phần, gồm đoạn Cần Thơ – Hậu Giang dài 37km và đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài 73km. Ở giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1), tuyến cao tốc này được đầu tư 4 làn xe, rộng 17m, chưa có làn dừng khẩn cấp, vận tốc tối đa 80 km/h. Ở giai đoạn hoàn chỉnh sẽ có 2 làn dừng khẩn cấp, đường rộng 25m, vận tốc tối đa lên tới 120 km/h. Dự án được phê duyệt với mức đầu tư hơn 27.000 tỷ đồng.
Dưới đây là bảng tổng hợp một số thông tin tổng quan về đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau:
Chiều dài toàn tuyến | 109,5km |
Các tỉnh, thành đi qua | Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau |
Điểm đầu | Km15+350 giao với tuyến nối Quốc lộ 1-Nam Sông Hậu (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) |
Điểm cuối | Km126+223 nối với đường hành lang ven biển phía Nam tại Km210+250 (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) |
Tổng vốn đầu tư | 27.254 tỷ đồng |
Năm khởi công | 2023 |
Năm hoàn thành (dự kiến) | 2026 |
Số làn | 4 |
Vận tốc tối đa | 80-120km/h |
Dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng cũng như cả nước. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng cao tốc Cần Thơ – Cà Mau là yêu cầu cấp bách nhằm giảm thời gian, chi phí đi lại. Công trình hạ tầng quan trọng này cũng sẽ tạo lực đẩy cho thị trường nhà đất Cần Thơ, Cà Mau cũng như các địa phương khác nơi tuyến cao tốc đi qua.
Lan Chi
Xem thêm:
Với những dự án nhà ở sinh viên không hiệu quả, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng ch...
Bên cạnh đề cao tính tiện dụng trong quá trình sinh hoạt, gia chủ mong muốn có một thiết kế nhà hiện...
Thiết kế nội thất cho căn nhà luôn là nỗi băn khoăn của rất nhiều gia chủ để có một không gian sống...