Cố mua nhà to, vợ chồng suýt bỏ nhau vì nợ nần
Wiki

Cố mua nhà to, vợ chồng suýt bỏ nhau vì nợ nần

Dưới đây là câu chuyện của anh Đồng Nhận Trường về sự nuối tiếc khi cố mua nhà diện tích lớn:

Hai vợ chồng tôi thế hệ đầu 9x, mới lấy nhau được hơn 1 năm, chúng tôi vẫn đang kế hoạch, chưa vội sinh con. Giữa năm ngoái, gia đình nội ngoại khuyên 2 vợ chồng mua nhà và sớm sinh con, ổn định cuộc sống. Số vốn chúng tôi tích lũy từ khi độc thân đến lúc đó được khoảng 500 triệu, bố mẹ hai bên cho thêm 500 triệu. Chúng tôi dự tính vay ngân hàng khoảng 500 triệu là mua được căn hộ 2 phòng ngủ ở các quận rìa trung tâm Hà Nội. Với thu nhập gần 40 triệu/tháng, khoản vay này không phải quá sức với hai vợ chồng.

Tầm tháng 7/2019, chúng tôi tìm được một căn hộ ưng ý ở Hà Đông, diện tích gần 70m2, giá 1,6 tỷ đồng. Số tiền lớn hơn dự kiến một chút, nhưng căn hộ nằm trong dự án có vị trí khá đẹp nên chúng tôi quyết định sẽ mua. Dự án cũng đã chồng mộc gần xong, khoảng đầu quý 2/2020 là chúng tôi được nhận nhà. Khi đem chuyện bàn bạc với gia đình, anh trai tôi gợi ý cho vay thêm 500 triệu, mua căn 3 ngủ, sau này không phải lo đổi nhà. Anh hứa số tiền này sẽ cho vay lâu dài, khi nào chúng tôi có thì trả. 

Tính toán mua nhà to

Vợ tôi khi đó khuyên tôi không nên vay, tốt vay dày nợ, hơn nữa chúng tôi chưa có con, nếu cần đổi nhà thì ít nhất cũng phải hơn chục năm nữa, gia đình trẻ thì ở căn hộ hơn 60m2 là khá ổn rồi, ở căn to cũng phí. Tuy nhiên, khi đó tôi chỉ nghĩ đằng nào cũng phải mua, mua luôn căn lớn ở cho rộng rãi, thoải mái, bố mẹ ra chơi cũng có phòng riêng nghỉ ngơi, nên vẫn quyết vay tiền anh trai để mua căn 3 phòng ngủ. Căn này diện tích 85m2, giá 2,1 tỷ vì là căn góc, hướng Đông Nam nên đơn giá cao hơn căn 2 ngủ tôi chọn trước đó.

Bố mẹ tôi cho mượn sổ đỏ để thế chấp, thu nhập của chúng tôi chủ yếu từ lương nên thủ tục vay ngân hàng khá thuận lợi. Tôi vay số tiền 500 triệu và thanh toán trước 95% giá trị căn hộ để được hưởng chiết khấu gần 200 triệu. Số tiền còn dư ra, tôi gửi ngân hàng lấy lãi, để dành sau này đóng 5% còn lại và phí bảo trì. Tôi chọn gói vay 5 năm, lãi suất ưu đãi 2 năm đầu 8,8%, mỗi tháng gốc và lãi gần 12 triệu, chúng tôi vẫn có thể tích lũy ra một khoản để làm nội thất và góp dần trả nợ anh trai.

Ngồi ôm đầu vì nợ nần do cố mua nhà to.

Mọi việc những tưởng sẽ cứ suôn sẻ như vậy, chúng tôi chỉ còn chờ đợi ngày nhận nhà, thế nhưng, Covid-19 bất ngờ ập đến, không ai lường trước được. Chuỗi cửa hàng bún chả của anh trai tôi tuy khá có tiếng nhưng thất thu hoàn toàn khi phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc. Mặc dù vậy, anh trai tôi vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, một phần lương cho đầu bếp và một số nhân viên để giữ chân họ. Biến cố bất ngờ này kéo dài suốt mấy tháng khiến anh rất chật vật, nhất là trước Tết anh vừa mở thêm một cửa hàng mới, tiền mặt dự phòng không còn nhiều. Dù anh không đòi tiền, nhưng biết anh khó khăn, vợ chồng tôi cũng chạy vạy gửi trước cho anh 300 triệu để anh tạm chèo chống qua giai đoạn này. Hiện tại, tuy một số cửa hàng trong chuỗi đã hoạt động trở lại nhưng lượng khách nhỏ giọt, chỉ đủ bù chi phí đầu vào.

Mọi việc càng trở nên bi đát khi đầu tháng 4, tôi nhận được thông báo giảm 30% lương vì tình hình kinh doanh của công ty khó khăn, Ban giám đốc muốn mọi người cùng hỗ trợ để công ty tiếp tục hoạt động. Đây là công việc tôi khá yêu thích nên dù cắt giảm tôi cũng không muốn bỏ việc. Hơn nữa thời điểm này xin việc mới không hề dễ dàng. 

Vợ chồng cãi vã vì nợ nần do cố mua nhà to.

Vậy là ngoài tiền gốc lãi trả ngân hàng, mỗi tháng chúng tôi còn phải xoay sở trả khoản vay nóng người quen, lúc 5 triệu, lúc 10 triệu. Đang chi tiêu thoải mái lại phải sống cảnh giật gấu vá vai từng ngày, vợ chồng tôi sinh sự với nhau suốt, có bận tôi bỏ ra ngoài đi lang thang suốt đêm không về. Tôi cũng từng nghĩ đến phương án bán căn hộ, nhưng tình hình hiện nay không phải nói bán là bán ngay được. Hơn nữa, trong khi căn 2 ngủ có nhiều người muốn mua vì vừa tầm tiền thì căn diện tích lớn như nhà tôi rất khó bán. Ngay trong dự án tôi mua vẫn còn một số căn 3 ngủ chưa bán hết. Cũng may căn hộ góc rất đẹp nên chúng tôi được an ủi phần nào, đành cắn răng xoay sở cho qua giai đoạn khó khăn này.

Cuối tháng 5 vừa qua, chủ đầu tư thông báo nhận nhà mà chúng tôi buồn rười rượi. Số tiền tích cóp để làm nội thất không còn bao nhiêu. Dù chưa đến nỗi cùng quẫn, nhưng hai vợ chồng tôi chưa từng vay nợ nên cũng rất áp lực. Cuộc sống tuy đã dần trở lại nhịp điệu bình thường, nhưng kinh tế chưa biết khi nào mới hồi phục, khó khăn có thể vẫn ở phía trước. Giá như lúc trước tôi bằng lòng với căn hộ 2 ngủ, không ham hố nhà to thì bây giờ dù bị cắt giảm lương, tôi vẫn ung dung sống trong căn nhà mới, không phải lo có ai đòi nợ bất ngờ. 

Nhận định của chuyên gia Barbara Corcoran về tính toán mua nhà.

Hải Âu (ghi)

>> Quá vội vàng khi mua nhà khiến tôi phải trả giá đắt
>> Xây nhà to đẹp nhưng bỏ phí vì con cái không ở cùng
>> Chỉ nên dành tối đa 30-40% thu nhập cho nhà ở

Chia sẻ:
Related Posts
Thêm 3 địa phương ban hành hệ số điều chỉnh giá đất năm 2020Th12 14, 2024
Thêm 3 địa phương ban hành hệ số điều chỉnh giá đất năm 2020

Nhiều địa phương (Lạng Sơn, Kiên Giang, Đồng Nai) đã ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) áp...

TP.HCM chuyển căn hộ cao cấp tồn kho thành nhà ở xã hộiTh12 14, 2024
TP.HCM chuyển căn hộ cao cấp tồn kho thành nhà ở xã hội

Với những dự án nhà ở sinh viên không hiệu quả, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng ch...

Mẫu nhà phố 1 trệt 2 lầu có sân thượng với mặt tiền 3,5m được thiết kế theo phong cách hiện đạiTh12 14, 2024
Mẫu nhà phố 1 trệt 2 lầu có sân thượng với mặt tiền 3,5m được thiết kế theo phong cách hiện đại

Bên cạnh đề cao tính tiện dụng trong quá trình sinh hoạt, gia chủ mong muốn có một thiết kế nhà hiện...