Lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng thấp kỷ lục
Trong một năm trở lại đây, ngân hàng có nhiều đợt giảm lãi suất cả kỳ hạn dưới và trên 6 tháng. Sau nhiều đợt giảm, mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất chục năm trở lại đây do Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm trần lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Cộng thêm tín dụng đầu ra kém sau đại dịch khiến hệ thống nhà băng đang trong bối cảnh thừa tiền.
Cụ thể, lãi suất tại 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã giảm từ 0,25-0,3%/năm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5%/năm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Mức lãi suất cao nhất dành cho khách hàng cá nhân tại Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank hiện chỉ ở mức từ 6-6,1%/năm thay vì mức 6,5-6,6%/năm trước đó, vốn đã là mức thấp nhất trong hệ thống.
Hàng loạt ngân hàng thương mại có động thái giảm lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 -12 tháng. Ảnh minh họa |
Tại nhiều ngân hàng khác như Techcombank, ACB hay TPBank, lãi suất nhiều kỳ hạn cũng giảm từ 0,5-0,9%/năm. Techcombank trả lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng xuống 3,15-3,65%, đây là mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay. Làn sóng này cũng lan tới nhiều ngân hàng vốn có mức lãi suất huy động rất cạnh tranh như VPBank, SHB… với mức giảm từ 0,1-0,3%/năm.
Gần đây, các ngân hàng lại điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm ngắn hạn, có nơi chỉ trả 3%/năm cho kỳ hạn 1 tháng tại quầy. Lãi suất tiền gửi hiện ở mức từ 3,5-4,25%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 4,4-6,7%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng. So với thời điểm cuối năm 2019, vùng lãi suất này đã thấp hơn 0,75-1%/năm ở kỳ hạn dưới 6 tháng và thấp hơn từ 1-2%/năm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Dự báo về xu hướng lãi suất từ nay tới cuối năm, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, sau đợt giảm này, nhiều khả năng lãi suất tiền gửi sẽ đi ngang bởi mức giảm lãi suất huy động từ 1-2%/năm đã gần bằng với mức giảm lãi suất cho vay. Trong xu thế này, nhiều nhà đầu tư bắt đầu lo lắng đến dòng vốn cho các kỳ gửi ngắn hạn tại các nhà băng. Vì nếu để tiền trong ngân hàng thì dòng tiền của nhà đầu tư gần như sinh lời rất thấp.
Các kênh đầu tư khác sẽ ra sao?
Những nhà đầu tư với tâm thế giữ an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể sẽ vẫn ưu tiên gửi tiền ở ngân hàng. Tuy nhiên, cũng không ít nhà đầu tư bắt đầu đặt lên bàn cân để cân nhắc các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng và bất động sản.
Dòng tiền đầu tư liệu có chạy vào thị trường BĐS khi các kênh đầu tư khác đang khá bất ổn. Ảnh Phương Uyên |
Xét về thị trường chứng khoán, việc phải đối mặt với hàng loạt cú sốc mạnh do tác động bởi dịch Covid-19 thời gian gần đây khiến làn sóng bán tháo cổ phiếu tăng. Dù Việt Nam khá thành công trong các biện pháp quản lý dịch, nhưng diễn biến ở châu Âu và Mỹ tăng rất nhanh, chưa thấy được đỉnh dịch khiến nhiều người lo ngại chỉ số chứng khoán toàn cầu chưa thể ổn định trong ngắn hạn.
Với thị trường vàng, đây vốn là kênh giữ vốn tốt chứ không đơn thuần là đầu tư. Mặc dù ghi nhận giá vàng đang tăng mạnh nhưng thị trường này lại tăng – giảm bất ổn. Sự biến động của giá vàng cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại vì giá vàng thường giảm mạnh sau khi nền kinh tế phục hồi.
Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư vẫn lựa chọn BĐS làm kênh trú ẩn. Trước đây, lãi suất huy động cao nên người dân sẽ luôn chọn việc gửi tiền vào ngân hàng để vừa hưởng lãi cao, vừa an toàn. Song, khi lãi suất giảm xuống chỉ còn 5-6%/năm, họ buộc phải tìm kiếm các kênh đầu tư. Đây cũng là thời điểm để cả thị trường nhìn nhận nghiêm túc về cơ hội đầu tư sinh lời trong BĐS. Những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn sẽ chọn cách phân bổ dòng tiền một cách chắc chắn và nhà đất vẫn luôn là kênh đầu tư thu hút dòng tiền mạnh nhất nên khi đại dịch qua đi sẽ là những cơ hội mới.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng cho rằng, đây là thời điểm cả thị trường cần nhìn nhận nghiêm túc về cơ hội đầu tư sinh lời trong BĐS. Nhu cầu về nhà đất là nhu cầu luôn tồn tại song song với cuộc sống và không thể mất đi. Đây cũng là dòng sản phẩm hiếm khi bị hạ giá, ít biến động về giá và có thể mang lại cho nhà đầu tư sự an tâm dài hạn hơn so với các kênh đầu tư khác. Hiện nay, đầu tư vào nhà đất có nhiều cơ hội mua được sản phẩm tốt nhất do giá BĐS có xu hướng trở lại giá trị thực.
Tuy nhiên bà Trang Bùi, Giám đốc thị trường JLL Việt Nam cũng nhận định, thị trường BĐS có tác động tích cực hơn nhờ lãi suất cho vay đi xuống, từ đó khiến nhà đầu tư có thể mạnh dạn vay để mua nhà. Nhưng mặt khác, kinh tế chung đang chịu ảnh hưởng lớn, dòng tiền trong dân khó khăn. Với người mua ở thực, thu nhập bị tác động vì Covid-19 nên không nhiều người dám vay tiền từ ngân hàng dù lãi suất thấp. Còn giới đầu tư lại có xu hướng quan sát nhiều hơn là xuống tiền. Vì vậy lãi suất sụt giảm về nguyên lý có tác động tích cực cho BĐS nhưng sẽ khó có làn sóng đầu tư tăng mạnh như kỳ vọng.
Phương Uyên
Hỏi: Chào anh chị, cho em hỏi chồng em sinh năm 1984 vợ sinh năm 1983 làm nhà hướng Nam cửa chính hư...
Kinh doanh nhà đất chưa bao giờ là một lĩnh vực dễ dàng. Nếu bạn đang đang có ý định đầu tư bất động...
Quá trình xây dựng ngôi nhà của gia đình chị Phan Kim Hằng (34 tuổi) ở quận Thủ Đức, TP.HCM mất tới...