Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về nhà ở và công trình công cộng – an toàn sinh mạng và sức khỏe do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008, chiều cao lan can chung cư và các tòa nhà cao tầng tối thiểu là 1,4m, hình thức lan can không được theo phương vị ngang mà theo phương vị thẳng đứng nhằm tránh leo trèo, đồng thời với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì khoảng cách khe hở không quá 10cm để trẻ không chui lọt. Với lan can hay logia sử dụng vật liệu kính thì kính phải đảm bảo chắc chắn, được bảo vệ bởi vật cố định và không có khe hở nào rộng quá 7,5m để ngăn ngừa rơi ngã. Tuy vậy, do trẻ em hiếu động, chưa ý thức về nguy hiểm nên những vụ việc trẻ em rơi từ lan can chung cư, hay từ những nơi cao tầng liên tiếp xảy ra khiến nhiều người, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ lo ngại.
Tháng 11/2018, một bé trai bất ngờ rơi từ tầng 7 của tòa nhà chung cư NO3 (Cầu Giấy, Hà Nội) xuống đất. Rất may mắn, bé trai không nguy hiểm đến tính mang do được các tán cây bằng lăng đỡ lại. Tương tự, tháng 12/2018, tại chung cư Thủ Thiêm Sky (quận 2, TP.HCM), một bé gái rơi từ căn hộ tầng 9 xuống đất khi mẹ bé vừa ra khỏi nhà được ít phút nhưng không may mắn như trường hợp bé trai ở Hà Nội. Được biết, căn hộ trên có lan can cao khoảng 1,2m.
Một vụ việc thương tâm tương tự xảy ra sáng 1/4/2019 trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Bé trai khoảng 3 tuổi đã trèo lên ô thoáng nhà vệ sinh rồi không may rơi xuống đất, tử vong. Hay mới đây nhất là vụ bé gái rơi từ tầng 12A chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) may mắn được một thanh niên gần đó lao đến hứng đỡ kịp thời.
Lưới bảo vệ ban công chung cư phần nào gây cản trở tầm nhìn ra bên ngoài.
Còn rất nhiều vụ trẻ em rơi từ lan can chung cư và nguy hiểm đến tính mạng. Có một vài nguyên nhân dẫn đến tai nạn này dù lan can được thiết kế đúng tiêu chuẩn xây dựng. Thông thường, không ít hộ gia đình tận dụng ban công làm nơi trồng hoa, cây cảnh hay để đồ, vô tình tạo thành các bậc cho phép trẻ dễ dàng trèo lên. Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ vẫn để con cái chơi đùa ở ban công, logia mà không có người lớn trông coi.
Sau sự vụ hy hữu xảy ra chiều ngày 28/2, nhiều gia đình mới ý thức về sự an toàn của con trẻ trong chính ngôi nhà của mình và thuê thợ đến lắp đặt lưới an toàn chung cư ở những vị trí có thể gây nguy hiểm cho trẻ em như logia, cửa sổ, ban công, hành lang.
Lưới an toàn là hệ khung căng dây cáp song song trên hệ 2 thanh nhôm cứng cố định trên và dưới. Các thanh nhôm được đục lỗ sẵn theo khoảng cách định trước (5-15cm) và dây cáp được luồn liên hoàn qua các lỗ tạo thành mặt lưới. Phần lớn lưới an toàn được làm từ vật liệu inox 304 với đường kính 2,5 hoặc 3,5mm với lớp bọc nhựa HDPE hoặc PE bền bỉ, chống ăn mòn, có khả năng chịu lực.
Nhiều gia đình lắp đặt lưới an toàn cửa sổ chung cư nhằm ngăn trẻ nhỏ leo trèo ra bên ngoài.
Nhìn chung, lưới an toàn đem lại khá nhiều lợi ích. Như tên gọi, lưới an toàn ở vị trí cửa sổ, logia hay ban công có tác dụng ngăn người (và cả thú cưng) ngã hay trèo ra bên ngoài. Mặt khác, lưới an toàn cũng có tác dụng giữ quần áo hay chậu cây, lồng chim… không rơi xuống bên dưới. Khi cần trợ giúp cứu hộ, cứu nạn từ bên ngoài, hệ lưới này dễ dàng bị vô hiệu hóa bằng dụng cụ đơn giản như kìm bấm. Lưới an toàn còn có ưu điểm là không gây xước tay khi chạm vào, không bị xuống cấp theo thời gian. Một điểm khá hay là gia chủ có thể tận dụng lưới để trồng cây leo ở ngoài ban công như hồng leo, mai hoàng yến, sử quân tử… Công đoạn thi công và bảo trì lưới cũng nhanh gọn, đơn giản.
Nhược điểm lớn nhất của lưới bảo vệ chung cư có lẽ là cản trở tầm nhìn. Lưới chung cư khiến khung cửa sổ, ban công trông hơi vướng nhưng nhìn chung vẫn thẩm mỹ hơn so với khung sắt. Để có thể chụp cảnh bên ngoài, bạn cần phải đưa điện thoại ra ngoài lưới và cần thật cẩn thận để không làm rơi máy. Mặt hạn chế nữa của lưới an toàn là dễ bung khi tác động một lực quá mạnh hoặc chỉ cần tháo một sợi lưới thì những sợi còn lại cũng bị nới lỏng. Chưa kể, lưới an toàn cũng không được đánh giá cao về hiệu quả chống trộm so với khung thép. Tất nhiên, với những căn hộ ở tầng cao thì không cần quá lo lắng về điều này.
Nhiều gia đình sau khi rào lưới bảo vệ cửa sổ chung cư, lưới bảo vệ ban công chung cư, thường có tâm lý chủ quan mà bỏ qua khâu kiểm tra. Trên thực tế, theo thời gian, các sợi lưới có thể bị lỏng ốc vít nên cần bảo dưỡng định kỳ, thông thường là 5 năm. Nếu kỹ tính, gia chủ có thể bảo dưỡng thường xuyên hơn.
Về giá thành, lưới an toàn chung cư có nhiều loại với mức giá khác nhau phụ thuộc vào đường kính lưới và diện tích lắp đặt. Loại lưới thường đường kính 3mm có giá 300.000 đồng/m2 cho diện tích lắp đặt dưới 5m2, giá 200.000-220.000 đồng/m2 cho diện tích từ 10m2 trở lên. Loại lưới 2,5mm có giá 250.000-260.000 đồng với diện tích lắp đặt dưới 5m2 và 200.000 đồng với diện tích trên 10m2. Mức giá này đã bao gồm vật tư và công lắp đặt. Như vậy, giá thành không quá đắt và nhược điểm quá nhỏ so với lợi ích mang lại.
Để không tái diễn cảnh trẻ em ngã từ các tòa nhà cao tầng, việc quan trọng nhất là xem xét các vấn đề như thiết kế chung cư có đúng quy chuẩn không, quy định quản lý cộng đồng ra sao. Ngoài sử dụng lưới an toàn cho chung cư, các gia đình nên quan sát, đánh giá lại mức độ an toàn ở cửa sổ, ban công, logia và hành lang nhà mình để điều chỉnh cho phù hợp; hạn chế kê thùng, hộp, bàn, ghế hay giường, tủ cạnh các khu vực này.
Khánh An
Với những dự án nhà ở sinh viên không hiệu quả, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng ch...
Bên cạnh đề cao tính tiện dụng trong quá trình sinh hoạt, gia chủ mong muốn có một thiết kế nhà hiện...
Thiết kế nội thất cho căn nhà luôn là nỗi băn khoăn của rất nhiều gia chủ để có một không gian sống...