Dưới đây là chia sẻ của chị Yên về hành trình mua nhà của mình với số vốn ban đầu ít ỏi:
Quyết tâm mua nhà sau “5 lần 7 lượt” đi thuê trọ
Tôi sinh ra ở một xã thuần nông thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Năm 18 tuổi, tôi lên Hà Nội học đại học và lập nghiệp, 25 tuổi thì kết hôn. Chồng tôi quê ở Thái Bình, hơn tôi 2 tuổi. Sau khi cưới, hai vợ chồng tôi thuê nhà trọ ở khu Mỹ Đình để ở. Căn nhà đó gồm 3 tầng, chúng tôi thuê một phòng ở tầng 2, mỗi tháng hết 1,6 triệu tiền nhà. Kết hôn được khoảng 2 năm thì tôi sinh em bé. Vợ chồng tôi đang ở đó yên ổn thì đùng cái chủ nhà trọ đòi lại phòng do con trai họ đi du học về và chuẩn bị cưới vợ. Chúng tôi đành ngậm ngùi chuyển sang dãy trọ gần đó nhưng vì căn phòng quá ẩm thấp khiến con gái tôi bệnh thường xuyên nên chỉ ở được vài tháng, vợ chồng tôi quyết định chuyển lên Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy) thuê một căn tập thể cũ rồi ở cùng với cô em gái chồng tôi.
Căn nhà đó có diện tích 25m2 khá chật hẹp, lại không có chỗ để xe. Chúng tôi phải gửi xe ở một trường học cách nhà hơn 100m nên nhiều khi rất bất tiện. Ở Hồ Tùng Mậu được khoảng hơn 1 năm, chúng tôi lại chuyển nhà thêm một lần nữa về Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm). Đó là một căn nhà cấp 4, tuy xây đã lâu nhưng chủ nhà mới cải tạo lại nên trông khá sạch sẽ, khang trang. Căn nhà nằm ngay gần cơ quan tôi nên cũng thuận tiện cho việc đi lại. Tuy nhiên vì nhà cũ nên nền móng thấp hơn so với những căn nhà xung quanh, mỗi lần trời mưa to, nước ngập đầy nhà khiến chúng tôi rất mệt mỏi.
Quá đau đầu vì suốt ngày phải nghĩ tới việc tìm nhà, chuyển nhà, tôi bắt đầu nhen nhóm ước mơ mua một căn nhà cho riêng mình. Thế nhưng từ khi có con, chi phí sinh hoạt trong gia đình cũng tốn kém hơn nhiều. Dù tiết kiệm hết mức, hai vợ chồng tôi cũng mới tích cóp được khoảng 300 triệu đồng (bao gồm cả tiền vàng mừng cưới). Bố mẹ hai bên biết chúng tôi muốn mua nhà nên mỗi bên cho 50 triệu, tổng chúng tôi có 400 triệu đồng. Lúc đầu, chúng tôi định tìm nhà mặt đất diện tích nhỏ nhưng sau khi cân lên đặt xuống nhiều lần, hai vợ chồng đã quyết định mua chung cư trả góp.
Với số tiền tích cóp được khá ít ỏi, vợ chồng chị đã lựa chọn mua căn hộ giá rẻ và trả nợ theo chiến thuật “mỡ nó rán nó”
Mua chung cư giá rẻ và trả nợ theo chiến thuật “mỡ nó rán nó”
Thời điểm đó, khu đô thị Thanh Hà là một trong những khu nhà giá rẻ nổi tiếng của Tập Đoàn Mường Thanh và vị trí cũng không quá xa. Chúng tôi chọn mua 1 căn 2 phòng ngủ với diện tích 66,53m2, giá gần 1 tỷ đồng (bao gồm cả làm nội thất). Tôi tính toán rằng nếu trả theo tiến độ thì hai vợ chồng sẽ có thời gian để xoay xở và bớt mệt mỏi hơn so với việc lo liệu cùng lúc số tiền quá lớn. Vậy là chúng tôi quyết định vay ngân hàng 600 triệu đồng trong vòng 15 năm, mỗi tháng trả cả gốc và lãi khoảng 7 triệu đồng. Thời điểm đó, lương của tôi được khoảng 8 triệu đồng, chồng tôi được 15 triệu. Việc trả nợ 7 triệu đồng/tháng không phải quá sức với hai vợ chồng nhưng số tiền còn lại cũng chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt, không dư được đồng nào.
Sau khi chuyển vào nhà mới, vợ chồng tôi cũng không sắm sửa gì nhiều. Vẫn là chiếc tivi, tủ lạnh cũ từ hồi mới cưới nhau. Tôi chỉ sắm duy nhất bộ bàn ghế ở phòng khách. Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, con gái gửi nhà trẻ, tối về cả nhà vẫn ngủ chung 1 phòng. Như vậy tính ra nhà tôi còn thừa một phòng ngủ. Thấy để phòng trống quá lãng phí, tôi bàn với chồng cho đứa em cùng quê thuê làm lớp dạy Tiếng Anh vào buổi tối và cho cô bạn đồng nghiệp thuê làm lớp dạy vẽ vào các ngày cuối tuần. Mỗi tháng tôi cũng thu được gần 3 triệu đồng từ việc cho thuê nhà.
Không dừng lại ở đó, tôi tiếp tục gia tăng thu nhập bằng cách bán hàng online. Tôi bắt đầu bằng việc bán các đồ ăn sạch, đặc sản ở quê cho đến các đồ ăn tôi tự tay làm như kim chi, khô gà, giò bê… Nhờ món ngon, nguyên liệu sạch, đảm bảo an toàn nên tôi bán khá đắt khách. Tuy tiền lãi từ việc buôn bán không nhiều, chỉ là những đồng bạc lẻ nhưng tôi cũng có thêm đồng ra đồng vào, phần nào giúp chúng tôi trang trải một số chi phí nhỏ trong gia đình.
Khi xác định mua nhà, chúng tôi tính “kéo cày” ít nhất 7-8 năm may ra mới trả hết nợ. Thế nhưng hiện giờ mới 2 năm chúng tôi đã trả được 1/3 số nợ, nếu không có sự cố gì, khoảng vài ba năm nữa là hết nợ nần.
Bây giờ ngồi ngẫm lại tôi nhận ra, mua một căn nhà ở Hà Nội thực ra không quá khó, chỉ có điều chúng ta lựa chọn như thế nào cho phù hợp với điều kiện kinh tế mà thôi. Với điều kiện kinh tế eo hẹp, chúng ta hãy lựa chọn những khu bình dân, mua nhà có diện tích vừa đủ cho sinh hoạt cần thiết, chấp nhận đi làm xa hơn một chút. Trong trường hợp chưa đủ tiền để mua, có thể vay ngân hàng hoặc người thân rồi cố gắng làm lụng để trả nợ. Các bạn hoàn toàn có thể áp dụng cách làm giống như tôi hoặc còn vô vàn những cách “mỡ nó rán nó” để ngôi nhà sinh lợi. Điều quan trọng nhất, tôi nghĩ rằng đó là việc “thuận vợ thuận chồng”. Làm được như vậy thì những khó khăn, gian khổ, áp lực nợ nần cũng sẽ nhanh chóng qua đi.
Hà Nhung
(Ghi)
>> Nhờ liều lĩnh, tôi vừa có đất ở quê, vừa có chung cư Hà Nội >> Mua nhà cũ 800 triệu, sau 3 năm bán lại “lên đời” chung cư tiền tỷ
>> Để trả nợ tiền mua nhà, 5 năm liền vợ chồng tôi không về quê ăn Tết
Kiến trúc sư chia sẻ mẫu thiết kế nội thất căn hộ 64m2 với 2 phòng ngủ cho gia chủ trẻ tuổi, ưa thíc...
Một trong những kinh nghiệm mà nhà đầu tư hay truyền tai nhau đó là nên “rót tiền” vào những bất độn...
Thực tế có không ít người cầm sổ đỏ, sổ hồng trên tay mà chưa biết rõ hết nội dung bên trong là gì,...