Tổng Quan Về Huyện Mỹ Đức Hà Nội Năm 2024
Wiki

Tổng Quan Về Huyện Mỹ Đức Hà Nội Năm 2024

Lê Nhi

Mỹ Đức nằm ở phía tây nam Hà Nội. Trước năm 2008, đây là một huyện của Hà Tây cũ. Mỹ Đức Hà Nội với hạ tầng cơ sở ngày càng hoàn thiện, thị trường BĐS nơi đây cũng đang dần trở nên sôi động hơn. Bài viết sau sẽ chia sẻ những thông tin tổng quan nhất về huyện Mỹ Đức, giúp người tìm kiếm có thêm thông tin hữu ích.

1. Tổng Quan Huyện Mỹ Đức Hà Nội

Mỹ Đức Ở Đâu?

Huyện Mỹ Đức nằm ở phía tây nam của thành phố Hà Nội, thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng. Mỹ Đức Hà Nội có vị trí giáp ranh như sau:

  • Phía đông giáp với huyện Ứng Hòa bởi ranh giới là con sông Đáy
  • Phía tây giáp với huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình
  • Phía nam giáp với huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam và huyện Lạc Thủy của tỉnh Hòa Bình
  • Phía bắc giáp với huyện Chương Mỹ.

Diện tích và dân sốhuyện Mỹ Đức: Tổng diện tích đất tự nhiên của Mỹ Đức Hà Nội là 230 km², khảo sát dân số năm 2017 khoảng 194.400 người. Mật độ dân số của huyện là 739 người/km².

Địa hình: Địa hình huyện Mỹ Đức khá bằng phẳng, với độ cao trung bình từ 1 đến 3m so với mực nước biển. Phía Tây và phía Nam huyện này có núi đá vôi hang động Karst. Đỉnh cao nhất của núi Hương Sơn cao 397m. Huyện Mỹ Đức còn có hồ nước lớn (hồ Quan Sơn, thuộc xã Hợp Tiến.) Khu vực rìa phía Đông chính là sông Đáy, con sông này chảy theo hướng từ Bắc xuống Nam và sang tỉnh Hà Nam.

Khí hậu: Huyện Mỹ Đức có khí hậu nhiệt đới ẩm với 4 mùa rõ rệt trong năm. Độ ẩm trung bình năm là 85%, biến động giữa các tháng từ 80 – 89%. Các tháng 11, 12 có độ ẩm thấp nhất, tuy nhiên độ ẩm không khí giữa các tháng trong năm chênh lệch không đáng kể. Điều kiện khí hậu khá phù hợp để phát triển nông nghiệp cũng như phát triển ngành du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Diện mạo huyện Mỹ Đức Hà Nội ngày nay.

Xem thêm: Tổng Quan Về Huyện Thạch Thất Hà Nội

Huyện Mỹ Đức Có Bao Nhiêu Xã?

Hiện tại, Mỹ Đức Hà Nội có 22 đơn vị hành chính, gồm: thị trấn Đại Nghĩa, xã Xuy Xá, Vạn Kim, Tuy Lai, Thượng Lâm, Phùng Xá, Phúc Lâm, Phù Lưu Tế, Mỹ Thành, Lê Thanh, Hương Sơn, Hùng Tiến, Hợp Tiến, Hợp Thanh, Hồng Sơn, Đồng Tâm, Đốc Tín, Đại Hưng, Bột Xuyên, An Tiến, An Phú, An Mỹ.

Ngày 21/04/1965, Sơn Tây và Hà Đông hợp nhất thành Hà Tây. Lúc đó, Mỹ Đức thuộc tỉnh Hà Tây. Ngày 27/12/1975, huyện Mỹ Đức thuộc tỉnh Hà Sơn Bình.

Ngày 01/08/2008, tỉnh Hà Tây sáp nhập vào TP. Hà Nội, huyện Mỹ Đức trở thành huyện của Thủ đô.

Bản đồ hành chính huyện Mỹ Đức Hà Nội.

Tiềm Năng Kinh Tế – Du Lịch Huyện Mỹ Đức

Huyện Mỹ Đức đã và đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới vùng sản xuất hàng hóa, sản xuất chuyên canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang mô hình chăn nuôi hoặc trồng trọt phù hợp.

Đồng thời, huyện cũng tập trung phát triển các làng nghề song song cả cũ và mới, đặc biệt ưu tiên sản xuất vật liệu xây dựng, mây tre đan, dệt, chế biến nông – lâm sản – thực phẩm.

Các làng nghề tiêu biểu tại Mỹ Đức Hà Nội:

  • Mây giang tre đan Đông Mỹ, An Tiến
  • Thêu xuất khẩu thôn Hoành, Đồng Tâm
  • Trồng dâu nuôi tằm Phù Lưu Tế, Phù Lưu Tế
  • Trồng dâu nuôi tằm Trinh Tiết, Đại Hưng
  • Thêu thôn Nội, Thượng Lâm
  • Thêu thôn Trì, Thượng Lâm
  • Thêu, mây tre đan thôn Trê, Tuy Lai
  • Dệt may, nhuộm Phùng Xá
  • Múa rối xưa Tế Tiêu, Đại Nghĩa

Về du lịch:

Mỹ Đức Hà Nội có khu danh lam Hương Sơn rất nổi tiếng, với quần thể hang động, chùa chiền và núi sông: động Hương Tích, chùa Hương, suối Yến,… Lễ hội chùa Hương là lễ hội dài nhất và cũng thu hút rất đông khách thập phương.

Khu du lịch Chùa Hương tại Mỹ Đức Hà Nội.

Có thể nói, di tích Hương Sơn, Mỹ Đức đã trở thành một di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Ngoài ra, khu du lịch Quan Sơn cũng có tiềm năng du lịch đa dạng. Tại đây có những ngọn núi đá vôi mọc lên trên mặt nước khá ấn tượng bởi vẻ đẹp kỳ vỹ. Các dãy núi Trâu trắng, Quai chèo, Voi phục,… chính là những điểm đến hấp dẫn của nhiều người.

Văn Hóa

Mỹ Đức là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, còn lưu giữ được nhiều lễ hội, làng nghề nổi tiếng. Hiện tại, trên địa bàn huyện có gần 200 di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo với 85 chùa, 44 đền, 68 đình và hàng chục quán, miếu, nhà thờ,… xây từ nhiều thế kỷ trước. Điển hình như Khu di tích Hương Sơn, đền Đục Khê, đình Thượng Lâm, đền Kim Bôi, chùa Bột Xuyên, đình Phú Hữu, chùa Tứ Xã, chùa Phúc Khê, đình Tảo Khê, đình Thượng Thôn…

Huyện Mỹ Đức còn được biết đến là vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Với sự hỗ trợ của Trung ương và của TP. Hà Nội, huyện đã nỗ lực vượt bậc, giành được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, từng bước xây dựng quê hương ngày một văn minh, giàu đẹp.

Giáo Dục

Toàn huyện Mỹ Đức hiện có 83 cơ sở giáo dục công lập, trong đó có 26 trường mầm non, 29 trường tiểu học, 23 trường THCS, 4 trường THPT và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Hiện tại Mỹ Đức đã có hơn 40 trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ trên 50%. Chất lượng giáo dục ngày càng khởi sắc. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày càng được đầu tư, nâng cấp.

Y Tế

Hệ thống y tế huyện Mỹ Đức gồm:

  • Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức
  • Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức
  • Phòng khám đa khoa khu vực Hương Sơn
  • 22 Trạm y tế tại xã, thị trấn
  • Các phòng khám, nhà thuốc/quầy thuốc tư nhân

2. Thông Tin Quy Hoạch Huyện Mỹ Đức Đến Năm 2030

Quy hoạch huyện Mỹ Đức Hà Nội phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ và công nghiệp chất lượng cao

Theo quyết định số 4465/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chung huyện Mỹ Đức đến năm 2030, theo tỷ lệ 1/10.000:

Đến năm 2030, huyện Mỹ Đức sẽ là trung tâm du lịch – dịch vụ thương mại gắn với cảnh quan, sinh thái. Dự báo dân số huyện Mỹ Đức năm 2030 là 207.000 người, dân số đô thị khoảng 12.000 người, dân số nông thôn 195.000 người (của 21 xã).

Bản đồ quy hoạch không gian huyện Mỹ Đức Hà Nội.

Phân bố khu vực phát triển kinh tế như sau:

  • Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục, khoa học kỹ thuật gồm: xã Hồng Sơn, Lê Thanh, Xuy Xá, Phùng Xá, Hợp Tiến, Phù Lưu Tế, Hợp Thanh, Đại Hưng,thị trấn Đại Nghĩa (đô thị trung tâm). Đây sẽ là khu vực phát triển kinh tế đa ngành (công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao, du lịch, dịch vụ, thương mại, thủy sản, tài chính, viễn thông…).
  • Phía Bắc huyện Mỹ Đức sẽ phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch, gồm: xã Đồng Tâm, Phúc Lâm, Thượng Lâm, Tuy Lai, Mỹ Thành, Bột Xuyên, An Mỹ (cụm đổi mới An Mỹ là trung tâm). Chức năng chính của khu vực này sẽ là hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tập huấn, chuyển giao công nghệ…
  • Phía Nam huyện Mỹ Đức sẽ phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, nông nghiệp và thủy sản, gồm xã: Hùng Tiến, Vạn Kim, Đốc Tín và Hương Sơn (trung tâm). Chức năng chính: hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, chuyển giao công nghệ và tiểu thủ công nghiệp… tập trung phát triển du lịch lễ hội, du lịch sinh thái
  • Phía Tây Nam gồm xã An Tiến và An Phú. Đây là khu vực phát triển nền kinh tế dịch vụ, du lịch, thủy sản, nông nghiệp. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển sinh thái.

Công bố quy hoạch 1/5000 thị trấn Đại Nghĩa huyện Mỹ Đức

Quy hoạch thị trấn Đại Nghĩa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050:

Quy hoạch chung thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức.

Đây là đô thị sinh thái với mật độ thấp, tuy nhiên có sự phát triển bền vững, có cơ sở hạ tầng và kỹ thuật đồng bộ, các nền văn hóa và bảo tồn di sản được chú trọng và bảo vệ, bảo đảm về quốc phòng và an ninh theo hướng liên kết vùng.

Thị trấn Đại Nghĩa trong tương lai sẽ trở thành một đô thị “truyền thống – sinh thái – văn minh”, đô thị này khai thác trên cơ sở các giá trị xã hội, quy hoạch kiến trúc đặc trưng, phát triển hài hòa giữa môi trường sống, làm việc, sinh hoạt và giải trí chất lượng.

Quy hoạch đến năm 2030, thị trấn Đại Nghĩa có diện tích 495,06ha, trong đó:

  • Đất xây dựng đô thị: 239,5ha
  • Quy mô dân số: 12.000 người.

Thị trấn Đại Nghĩa sẽ trở thành đô thị loại V, là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa – xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, thương mại, … quan trọng của huyện Mỹ Đức.

Thị trấn Đại Nghĩa và 3 cụm đổi mới là An Mỹ, An Phú, Hương Sơn, cụ thể như sau:

  • Cụm đổi mới An Mỹ có chức năng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, rau sạch, trồng lúa chất lượng cao;
  • Cụm đổi mới An Phú là cửa ngõ của huyện Mỹ Đức, có chức năng quảng bá văn hóa du lịch và thương mại, hỗ trợ sản xuất tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch và nghề sen;
  • Cụm đổi mới Hương Sơn với nhiệm vụ phát triển dịch vụ phục vụ du lịch lễ hội chùa Hương, lễ hội Festival Hoa sen.

Quy hoạch giao thông huyện Mỹ Đức

Căn cứ Quyết định số 6036/QĐ-UBND về việc phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường tỉnh 424 – đoạn đường từ chợ Bến – Hòa Bình đến khu du lịch Quan Sơn (huyện Mỹ Đức), tỷ lệ 1/500 tại xã Hợp Tiến, Mỹ Đức, Hà Nội.

Bản đồ quy hoạch giao thông huyện Mỹ Đức mới nhất.

Tuyến đường này có chiều dài 1,8km, điểm đầu tại vị trí ranh giới giữa Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hòa Bình, điểm cuối tại vị trí đập tràn hồ Quan Sơn, thuộc xã Hợp Tiến, Mỹ Đức. Hướng tuyến đường này được xác định khá phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch giao thông Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch chung xây dựng huyện Mỹ Đức , Hà Nội đã được duyệt.

Đây cũng là tuyến đường cấp III đồng bằng, có chiều rộng là 21m, các nút giao thông là nút giao đồng mức, chỉ giới đường đỏ sẽ có tại các nút giao dọc theo tuyến đường và được xác định theo dự án riêng đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Thị Trường Bất Động Sản Huyện Mỹ Đức

Mỹ Đức Hà Nội là nơi tọa lạc của nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng: thắng cảnh chùa Hương, khu Quan Sơn, chùa Hàm Rồng, chùa Cao, đền thờ Đinh Tiên Hoàng Đế,…

Do đó, nhiều năm gần đầy, nhờ có định hướng đúng đắn, nền kinh tế của huyện Mỹ Đức chuyển biến tích cực hơn, từ kinh tế thuần nông đã chuyển sang nền kinh tế du lịch, dịch vụ và thương mại. Đây cũng được xem là nền kinh tế mũi nhọn của huyện.

Nhờ sự khởi sắc của nền kinh tế và cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, nên thị trường nhà đất huyện Mỹ Đức cũng được săn đón nhiều hơn trước. Đáng chú ý nhất là loại hình đất nền tại huyện với giá dao động từ 10 triệu đồng/m2 đến 32 triệu đồng/m2 tùy vào vị trí.

Ngoài ra, khảo sát tin rao bán nhà đất Mỹ Đức trên website AnPhatLand thời điểm cuối tháng 9/2023, đất sát trường tiểu học An Phú giá 11 triệu/m2 (75m2); đất Đốc Tín giá 22 triệu/m2 (84,6m2); đất mặt Hồ Quan Sơn giá 29,9 triệu/m2 (100m2); đất Hương Sơn giá 32 triệu/m2, (90m2); đất Bột Xuyên giá 20 triệu/m2 (99m2);…

Trong tương lai, kinh tế huyện sẽ còn phát triển hơn nữa, dự kiến thị trường BĐS huyện Mỹ Đức cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn.

Trên đây là những thông tin tổng quan về huyện Mỹ Đức Hà Nội. Hy vọng những kiến thức mà AnPhatLand vừa chia sẻ sẽ hữu ích cho các nhà đầu tư khi tham gia vào thì trường mua bán nhà đất tại huyện Mỹ Đức.

Thu Pham

Xem thêm

Chia sẻ:
Related Posts
TP.HCM chuyển căn hộ cao cấp tồn kho thành nhà ở xã hộiTh12 14, 2024
TP.HCM chuyển căn hộ cao cấp tồn kho thành nhà ở xã hội

Với những dự án nhà ở sinh viên không hiệu quả, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng ch...

Mẫu nhà phố 1 trệt 2 lầu có sân thượng với mặt tiền 3,5m được thiết kế theo phong cách hiện đạiTh12 14, 2024
Mẫu nhà phố 1 trệt 2 lầu có sân thượng với mặt tiền 3,5m được thiết kế theo phong cách hiện đại

Bên cạnh đề cao tính tiện dụng trong quá trình sinh hoạt, gia chủ mong muốn có một thiết kế nhà hiện...

FITIN 3D Pro – Công nghệ đã thay đổi trải nghiệm thiết kế nội thất như thế nào?Th12 14, 2024
FITIN 3D Pro – Công nghệ đã thay đổi trải nghiệm thiết kế nội thất như thế nào?

Thiết kế nội thất cho căn nhà luôn là nỗi băn khoăn của rất nhiều gia chủ để có một không gian sống...