Nên ở trọ hay KTX (ký túc xá), ở trọ chung chủ hay ở riêng, chọn KTX trường học hay KTX tư nhân… là những vấn đề mà bất cứ tân sinh viên 2023 nào cũng trăn trở khi ”chân ướt, chân ráo” lên Hà Nội, TP.HCM nhập học. Bài viết dưới đây chỉ rõ những thuận lợi và hạn chế khi lựa chọn hai hình thức ở trọ này góp phần giúp các bạn tân sinh viên có được quyết định phù hợp.
Sinh viên nên ở trọ hay KTX? Vì không có điều kiện thuê trọ ngoài, Minh Anh buộc phải chọn KTX theo tư vấn của bố mẹ, chứ thực lòng không hề muốn vào KTX ở. Vốn là người hướng nội, Minh Anh rất ngại ở tập thể đông người, ngại va chạm, sợ ồn ào ảnh hưởng tới việc học tập… Cô tân sinh viên 2023 quyết định đi làm thêm để chuyển ra ở trọ một mình khi đủ điều kiện. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, khi học kỳ I sắp kết thúc, Minh Anh không còn muốn chuyển ra ngoài trọ nữa. Không phải vì thay đổi lối sống, hướng ngoại hơn mà vì nhận thấy ở KTX ”rất hay”.
Thực tế cho thấy không phải ai cũng có thể hòa nhập, thích nghi được với cảnh trọ đông người như KTX. Rất nhiều bạn sinh viên đã quyết định ra ngoài thuê nhà trọ, phòng trọ sau một thời gian ngắn ở KTX. Tại sao vậy? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Nên ở KTX hay phòng trọ? Nếu bạn chọn phương án KTX, hãy nắm rõ những ưu điểm và hạn chế khi ở KTX sau, từ đó cân nhắc kỹ trước khi quyết định.
Tiết kiệm chi phí thuê nhà
Thông thường, khi chọn ở KTX, sinh viên sẽ tốn một nửa hoặc một phần ba chi phí so với thuê trọ ngoài. Điều này rất quan trọng, nhất là với sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội, TP.HCM – những đô thị lớn vốn rất đắt đỏ. Ký túc xá thường được xây dựng gần trường hoặc ngay trong khuôn viên trường nên bạn chỉ cần đi bộ tới trường, lớp giúp tiết kiệm được tối đa chi phí xăng xe, xe cộ đi lại hàng ngày.
An ninh, an toàn hơn
Ký túc xá của các trường đại học thường được xây dựng ngay trong khuôn viên trường học, do trường quản lý nên vấn đề an ninh, an toàn rất nghiêm ngặt. Hầu hết các KTX đều có quy định cụ thể về giờ giấc đi về, nề nếp sinh hoạt quy cũ. Thế nên, KTX sẽ rất phù hợp với những bạn sinh viên sống có kỷ luật, giờ giấc chuẩn chỉ.
Bên cạnh đó, hệ thống phòng cháy, chữa cháy của KTX thường tốt hơn so với nhà trọ, phòng trọ, sinh viên vì thế cũng yên tâm, không quá nơm nớp lo sợ về điều không may xảy ra. Ngoài ra, hệ thống gửi xe tại KTX cũng hiện đại, thoáng rộng, thuận tiện sử dụng hơn so với khu trọ.
Tiện ích – dịch vụ khép kín
Hiện nay, các khu KTX của các trường đại học được đầu tư bài bản, hiện đại với đủ dịch vụ – tiện ích khép kín ngay trong khuôn viên, thuận lợi cho sinh viên học tập, sinh hoạt hàng ngày. Điển hình như KTX của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội có đủ các tiện ích từ thư viện, phòng tự học, căng tin, quán cà phê, phòng y tế, khu thể dục thể thao… Theo đó, trả lời cho câu hỏi nên ở trọ hay KTX, rất nhiều sinh viên của trường chọn ở KTX thay vì phòng trọ.
Đông vui, thông tin cập nhật nhanh
Ký túc xá đại học tựa như một xã hội thu nhỏ, đa dạng về lối sống, dễ dàng tìm bạn, kết bạn mới. Chọn KTX, bạn sẽ được bạn bè giúp đỡ, hỗ trợ khi chẳng may ốm đau, hoạn nạn. Sống trong KTX, bạn có thể dễ dàng trao đổi, giao lưu học tập với các bạn cùng lớp, cùng khoa, khác lớp, khác khoa. Qua kênh ”truyền miệng”, bạn cập nhật thông tin trường lớp, bài vở, thi cử ở trường cực kỳ nhanh chóng.
Bên cạnh đó, khi ở KTX bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều từ những người bạn cùng phòng – đến từ nhiều tỉnh thành, vùng miền khác nhau về lối sống, nếp ăn ở, đối nhân xử thế… Theo đó, bạn dần trưởng thành hơn, hoàn thiện bản thân hơn. Nhất là có kinh nghiệm, kỹ năng sống tập thể sao cho hài hòa.
Ngoài ra, KTX còn là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm đáng nhớ thời sinh viên, nơi thanh xuân rực rỡ của những ai đã từng sinh sống tại đây. Nhắc đến thời ở ký túc xá, hẳn rất nhiều người sau khi trưởng thành, đi làm, có tuổi đều bồi hồi nhung nhớ.
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật nêu trên thì việc chọn sống trong KTX cũng có những hạn chế nhất định. Tùy điều kiện kinh tế, sở thích, lối sống mà sinh viên có quyết định chọn ở KTX hay không.
Thay đổi lối sống phù hợp với tập thể
Chọn sống KTX, bạn phải thay đổi lối sống cá nhân sao cho hài hòa với tập thể, xây dựng lối sống mới, loại bỏ những thói quen cũ không còn phù hợp. Đây luôn là thách thức lớn đối với tân sinh viên, những ai chưa có kinh nghiệm ở trọ.
Thiếu không gian riêng tư
Đây là điều mà bạn phải chấp nhận khi chọn sống trong KTX. Có thể nói, ở KTX, cả thế giới riêng tư của bạn chỉ ”bằng một chiếc giường”. Bạn khó có không gian riêng để học bài hay làm việc cá nhân. Dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại thì điều này ảnh hưởng không ít đến sinh hoạt hàng ngày. Do vậy, cần cân nhắc kỹ khi trả lời câu hỏi nên ở trọ hay KTX.
Dễ xảy ra xích mích, xung đột
Ký túc xá ở đông, thường không dưới 5 người/phòng, sử dụng không gian chung, làm nhiều việc chung, ”chín người mười ý” nên việc xảy ra xung đột, bất đồng quan điểm là điều khó tránh khỏi. Ví dụ đơn giản như việc sử dụng nhà tắm, nhà vệ sinh, nhiều khi phải xếp hàng đợi.
Ngoài ra, nhiều KTX không cho nấu ăn sinh viên phải ăn ngoài, không đảm bảo vệ sinh, tốn kém. Giờ giấc, nội quy KTX rất nghiêm ngặt, đôi khi gây bất tiện cho sinh viên đi chơi, làm thêm về muộn. Nếu bố mẹ, người thân đến thăm thì không có chỗ ngủ lại qua đêm hoặc không được ngủ lại qua đêm ở phòng KTX, phải thuê nhà nghỉ bên ngoài.
Xem thêm: Sleep Box Là Gì? Lựa Chọn Sleep Box Có Phải Là Sống “Khổ”?
Thực tế cho thấy, tỷ lệ % sinh viên chọn ở trọ khá cao, nguyên nhân một phần do KTX không đủ chỗ hoặc sinh viên không đủ điều kiện để đăng ký ở KTX (một số trường có quy định điều kiện được ở KTX). Chọn thuê trọ ngoài cũng có những ưu điểm và hạn chế riêng.
Giờ giấc sinh hoạt tự do, thoải mái
Hầu hết sinh viên trọ ngoài đều có thể tự quyết định giờ giấc đi về buổi tối. Tự do nấu ăn mà không lo bị cấm cản. Phương án thuê trọ ngoài phù hợp nhất với những ai yêu thích tự do, không muốn bị quản thúc giờ giấc, sinh hoạt.
Có nhiều không gian riêng
Nếu chọn ở trọ một mình, bạn tự do làm những việc mình thích mà không lo ảnh hưởng đến người khác. Không phải thay đổi lối sống để hòa đồng với tập thể như ở KTX.
Hạn chế xung đột
Khi thuê trọ ngoài, bạn sẽ hạn chế được xích mích, xung đột với bạn cùng phòng bởi bạn có thể chủ động chọn người ở ghép cũng như số lượng người ở ghép cùng, thường khoảng 2-3 người/phòng.
Ngoài ra, khi thuê trọ, nếu bố mẹ, người thân, bạn bè tới thăm thì có nơi để ngủ nghỉ qua đêm, không phải thuê nhà nghỉ bên ngoài như khi ở KTX.
Giá thuê cao
Tiền thuê nhà trọ bên ngoài luôn cao hơn, thường gấp 2 – 3 lần so với ở KTX. Tại các thành phố lớn như TP.HCM, TP. Hà Nội, ít nhất bạn phải chi khoảng 2 – 3 triệu/tháng để có được chỗ trợ tương đối ổn. Nếu chọn ở ghép, bạn sẽ giảm được một khoản phí đáng kể. Tuy vậy, vẫn đắt hơn hẳn so với ở KTX. Hơn nữa, chủ trọ thường điều chỉnh tăng giá thuê sau một thời gian, nhất là trước thềm năm học mới, khi một lượng lớn tân sinh viên nhập học.
An ninh kém hơn
So với KTX được nhà trường quản lý quy cũ thì ở trọ ngoài an ninh, an toàn kém hơn. Tình trạng mất đồ dùng, tài sản cá nhân thường xảy ra ở các khu trọ có an ninh kém. Tuy nhiên, nếu bạn hình thức trọ ở chung với chủ nhà thường sẽ an toàn hơn. Đổi lại, trọ chung chủ lại không tự do, thoải mái như trọ tách riêng chủ nhà.
Ngoài ra, khi thuê trọ ngoài, nhất là khi ở một mình, đôi khi bạn sẽ cảm thấy cô đơn, nhất là những lúc ốm đau không có bạn bè bên cạnh động viên, hỗ trợ. Chưa kể việc tìm được phòng trọ ưng ý gần trường không dễ. Thường phải chọn xa trường mới có phòng rộng thoáng mà giá phải chăng. Theo đó, bạn sẽ tốn thêm khoản chi phí đi lại.
Với những ưu điểm và nhược điểm của hai loại hình ở trọ và KTX nêu trên, chắc hẳn các bạn sinh viên đã có câu trả lời cho riêng mình. Thực tế cho thấy, ở KTX là phương án tối ưu cho những bạn gia đình không có điều kiện kinh tế. Trong khi đó, những bạn gia đình khá giả có thể chọn hình thức ở trọ một mình hoặc ở ghép 2 – 3 người.
Chọn ở KTX hay thuê phòng trọ, thuê căn hộ chung cư mini, ngoài yếu tố kinh tế còn phụ thuộc tính cách, lối sống của mỗi người. Người hướng nội thường có xu hướng chọn thuê phòng trọ, nhà trọ bên ngoài. Người hướng ngoại dễ dàng thích nghi với cả hai loại hình này. Tuy vậy, nhiều người từng trải qua thời sinh viên khuyên rằng, các bạn trẻ đi học xa nhà, hãy một lần thử ở KTX – đó chắc chắn sẽ là khoảng thời gian cực kỳ đáng nhớ của tuổi trẻ, là những ký ức quý giá mãi về sau.
Riêng đối với những tân sinh viên năm nhất, lần đầu lên thành phố, chưa có kinh nghiệm tìm nhà trọ, chưa nắm rõ nề nếp sinh hoạt ở thành phố thì nên ở KTX một thời gian để làm quen, sau đó có thể chuyển ra ngoài ở.
Tân sinh viên chọn ở trọ hay KTX thì đều phải chấp nhận những khó khăn, hạn chế đã đề cập ở phần trên. Quan trọng nhất vẫn là bản thân các bạn sinh viên mong muốn như thế nào, thích nghi với môi trường mới ra sao, thay đổi và hoàn thiện bản thân để phù hợp với môi trường thuê trọ hoặc ở KTX.
Kinh nghiệm thuê trọ dành cho tân sinh viên là chủ đề luôn được quan tâm. Những lưu ý quan trọng dưới đây sẽ góp phần giúp các bạn sinh viên năm nhất hạn chế mắc sai lầm, đỡ tốn thời gian cũng như chi phí trong quá trình tìm nhà trọ.
Kinh nghiệm cho thấy, khi xác định được nhu cầu thuê trọ như thế nào, khả năng tài chính ra sao, bạn sẽ tìm được khu vực thuê trọ phù hợp nhất. Với phòng trọ gần trường, thuận tiện đi lại thì giá thuê thường cao hơn. Ngược lại, phòng trọ xa trường thường có giá mềm hơn, rộng thoáng hơn, nhiều tiện ích hơn. Sinh viên có thể ở trọ xa trường, xa trung tâm nhưng cần đảm bảo giao thông thuận tiện, nhất là giao thông công cộng, dễ dàng kết nối.
Tân sinh viên cũng nên xác định rõ thuê trọ kiểu chung chủ hay tách biệt. Chung chủ thường đảm bảo an ninh, an toàn hơn nhưng giờ giấc, sinh hoạt nhiều khi không thoải mái. Trọ tách với chủ thì thoải mái hơn, tuy nhiên sẽ mất thời gian tìm kiếm được khu vực thuê an ninh, an toàn.
Bạn cần xác định rõ khoản phí dành cho thuê nhà hàng tháng tối đa là bao nhiêu để chọn phòng có mức giá phù hợp, không nên chọn phòng có giá thuê quá cao so với khả năng chi trả, bởi lẽ nó sẽ ảnh hưởng tới các phí sinh hoạt khác.
Phòng trọ, nhà trọ gần trường luôn là ưu tiên số 1 đối với sinh viên nhằm tiết kiệm thời gian, kinh phí đi lại, thuận tiện cho việc học tập. Giá thuê phòng trọ gần trường vì thế thường đắt hơn hẳn so với các khu vực khác. Sinh viên hiện nay rất thích thuê trọ gần đường lớn để tiện kết nối giao thông hoặc thuê trong ngõ ngách, hẻm không quá sâu và gần chợ, khu mua sắm, ẩm thực, giải trí… Tuy nhiên, giá thuê nhà trọ những nơi này cũng khá cao.
Để tiết kiệm chi phí, bạn có thể thuê trọ xa trường học, vùng ngoại ô nhưng vẫn cần đảm bảo yếu tố kết nối giao thông, đi lại thuận lợi để không ảnh hưởng tới việc học tập, sinh hoạt.
Khi đã xác định được khu vực bạn muốn thuê trọ, hãy tìm hiểu thật kỹ về khu vực đó. Ngoài khảo sát, so sánh giá thuê, hiện trạng phòng ốc thì nên quan tâm đến môi trường sống xung quanh, có thuận tiện về giao thông, có hay bị kẹt xe, có bị ngập lụt, triều cường, có gần chợ, siêu thị, an ninh an toàn hay không… Ngoài tìm hiểu thông tin trên các group thuê nhà trọ, các website đăng tin thuê trọ uy tín, bạn cần khảo sát thực tế, hỏi han người dân xung quanh để biết khu trọ đó có ổn không.
Việc này rất cần thiết giúp bạn tránh được những rủi ro phổ biến như mất tiền cọc, bị lừa đảo,… Cụ thể, bạn cần kiểm tra xem người cho thuê có phải chính chủ hay không, hay chỉ là người thuê nhà rồi cho thuê lại. Cần xác định chính xác hiên tại phòng trọ đó đang để trống hay đang có người thuê. Trường hợp đang có người thuê thì khi nào họ chuyển đi và có thanh lý hợp đồng thuê nhà không?
Tân sinh viên lần đầu thuê trọ cần nhớ rõ điều này. Bạn nên kiểm tra hiện trạng phòng trọ gồm trần nhà, nền nhà có hỏng hóc, bong tróc; hệ thống chiếu sáng, cấp thoát nước có hoạt động tốt? Nội thất, trang thiết bị trong phòng gồm những gì, có đang bị hư hỏng không… Qua đó sẽ giúp bạn đưa ra quyết định có thuê phòng trọ đó hay không. Nếu thuê thì trong hợp đồng cần có điều khoản về tiền cọc, phí sửa chữa khi cần, hiện trạng phòng bàn giao ra sao để khi kết thúc hợp đồng không phát sinh những rắc rối không đáng có.
Nếu có điều kiện, bạn có thể chọn thuê trọ một mình. Thế nhưng, với tân sinh viên lần đầu xa nhà, nên tìm người ở cùng để giúp đỡ, hỗ trợ nhau những lúc ốm đau hoặc có sự cố phát sinh. Tùy nhu cầu, giá phòng, diện tích phòng, bạn có thể tìm 1-2 người ở ghép và lựa chọn cẩn thận.
Cần trao đổi thẳng thắn với nhau về thói quen sinh hoạt, nên có nội quy chung khi ở ghép để thuận tiện trong sinh hoạt, học tập. Quá trình ở trọ cùng nhau thường khó tránh khỏi những xích mích, bất đồng, nên tích cực trao đổi với nhau để tìm cách khắc phục, không để vướng mắc trong lòng, nếu không sẽ dễ làm rạn nứt các mối quan hệ bạn bè thân thiết từ trước. Nếu không thể cải thiện, không thể hài hòa với nhau, bạn nên tìm người ở ghép mới, tránh phát sinh những hệ lụy nặng nề về sau.
Căn cứ theo quy định tại Điều 385, Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng thuê trọ là sự thỏa thuận giữa bên thuê và bên cho thuê về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong mối quan hệ thuê nhà. Đây là căn cứ pháp lý ràng buộc trách nhiệm giữa bên thuê và bên cho thuê, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho các bên khi phát sinh tranh chấp.
Theo quy định hiện hành, hợp đồng thuê nhà cần phải lập thành văn bản nhưng không bắt buộc phải công chứng hay chứng thực. Tuy nhiên, người thuê nhà thường chọn công chứng/chứng thực để đảm bảo an toàn. Trước khi ký hợp đồng thuê nhà, bạn cần kiểm tra kỹ các nội dung, điều khoản trong hợp đồng. Các thông tin cần kiểm tra gồm:
Sinh viên thuê trọ, nhất là tân sinh viên lần đầu lên thành phố còn nhiều bỡ ngỡ cần phải cảnh giác cao độ và nắm rõ các thủ đoạn lừa đảo tinh vi sau đây.
Lừa đảo chiếm đoạt phí môi giới
Các đối tượng lừa đảo thường sẽ tìm kiếm thông tin cho thuê trọ rồi đăng tin rao chào thuê trên các website, hội nhóm, mạng xã hội. Khi có người liên hệ xem phòng, họ sẽ dẫn đi và làm môi giới giữa bên thuê – chủ trọ. Sau đó, đối tượng sẽ đòi người đi thuê nhà trả cho họ khoản tiền thù lao giới thiệu phòng. Để tránh rơi vào trường hợp này, bạn hãy tra cứu số điện thoại trên Google, nếu số này xuất hiện ở nhiều tin rao cho thuê trọ khác nhau thì đó không phải là chính chủ. Bạn có thể xác minh địa chỉ phòng trọ và đến gặp chủ nhà, không cần người dẫn. Khi gọi điện hỏi thông tin, nếu họ trả lời ấp úng, không rõ ràng thì khả năng cao đó là ”cò” phòng trọ.
Lừa đảo chiếm đoạt tiền cọc
Thông qua tờ rơi hoặc tin rao chào thuê phòng trọ hấp dẫn, bạn liên hệ để đi xem phòng. Bạn sẽ được dẫn tới một căn phòng rộng rãi, sạch sẽ, tiện nghi. Hiện trạng phòng so với giá thuê khá rẻ nên bạn dễ dàng xuống cọc ngay để giữ chỗ. Tuy nhiên, khi nhận phòng thực tế thì không phải căn phòng đã được dẫn đi xem và nếu bạn không đồng ý thuê sẽ bị mất tiền cọc trước đó.
Đối với trường hợp này, bạn có thể lên Google xem khu trọ đó có từng dính ”phốt”. Khi đi xem phòng nên dẫn thêm một vài người bạn đi cùng, quay video phòng trọ, ghi âm lại toàn bộ cuộc trò chuyện để làm bằng chứng về sau. Phải có giấy cọc thỏa thuận rõ ràng, có chữ ký của hai bên.
Tăng phí bất thường
Chiêu trò này như sau: Khi đến xem phòng, chủ trọ mời chào giá thuê, phí điện nước phải chăng. Thế nhưng, sau khoảng vài tuần bạn chuyển vào ở, chủ trọ sẽ kêu ca, than thở giá điện nước tăng lên và yêu cầu bạn đóng thêm phí. Trường hợp bạn không đồng ý và chuyển trọ thì bạn sẽ mất tiền cọc. Vì vậy, trước khi thuê, bạn cần kiểm tra hiện trạng phòng, chốt đồng hồ điện nước, thống nhất với chủ trọ về giá điện nước, phí gửi xe, phí Internet… Đồng thời, cần thỏa thuận về việc tăng giá, tăng sau bao lâu, tăng bao nhiêu %. Tất cả những thỏa thuận đó đều phải được đưa vào hợp đồng, có chữ ký của hai bên.
Trên đây, AnPhatLand đã tổng hợp những ưu, nhược điểm của hai hình thức ở trọ và KTX giúp tân sinh viên trả lời câu hỏi nên ở trọ hay KTX. Với những thông tin trên, hy vọng bạn đã phần nào hình dung được sự khác biệt giữa KTX và nhà trọ, qua đó có được quyết định phù hợp nhất với mình.
Lam Giang
Xem thêm:
NDC House tọa lạc ở quận 1, quận đô thị trung tâm thuộc TP.HCM. Ngôi nhà ống có tổng diện tích sử dụ...
Nhiều địa phương (Lạng Sơn, Kiên Giang, Đồng Nai) đã ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) áp...
Với những dự án nhà ở sinh viên không hiệu quả, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng ch...