Nhà Q nằm trong một xóm nhỏ tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên diện tích khu đất 277m2, chủ nhân trẻ mong muốn có một không gian để mỗi thành viên trong gia đình gồm hai vợ chồng và 2 con nhỏ vừa được nghỉ ngơi, thư giãn một cách riêng biệt, vừa có những khoảng kết nối tự nhiên giữa mọi thành viên của gia đình, kết nối với thiên nhiên.
Nhắc đến Huế, ngoài việc nhớ đến những vẻ đẹp mộng mơ, lãng mạn của sông Hương, núi Ngự, vẻ trầm tư đĩnh đạc của lăng tẩm đền đài, người ta còn nhớ đến một vùng đất của những cơn mưa dai dẳng buồn thấu tim, những cơn nắng nóng khô hạn bức bối với nhiệt độ có khi lên tới 40 độ C, những cơn gió Lào hanh hao khó chịu…. Khí hậu vô cùng khắc nghiệt là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến kiến trúc sư chọn hệ khung bê tông cốt thép làm cấu trúc chịu lực chính cho cả ngôi nhà. Sự vững chắc, an toàn, bền vững với thời gian, trước ảnh hưởng của nắng, mưa, gió bão quanh năm khiến hệ khung này có tác dụng vừa để bao che bảo vệ, vừa giảm thiểu tác động của khí hậu đối với đời sống của chủ nhân ngôi nhà.
Dù có diện tích khá rộng, nhưng hạn chế của lô đất lại nằm ở chỗ 277 m2 được trải dài theo chiều dọc, chiều ngang khá hẹp là một trong những điểm khó đối với người thiết kế. Giải pháp được đưa ra là đẩy các phòng chức năng sinh hoạt riêng lên tầng trên, sử dụng kết cấu vượt nhịp để tầng 1 được giải phóng tự do. Lựa chọn này cho tạo nên sự xuyên suốt thoáng đãng, thoải mái giữa phòng khách, bếp ăn,xsd kết nối liên thông đến bể bơi phía sau. Như một sự lắp ráp khéo léo khớp với tầng 1, các không gian sử dụng phía trên sẽ thông qua các khoảng rỗng được bố cục xen kẽ theo chiều dọc (hướng Nam – Bắc) của công trình.
Nhằm đối phó với cái nóng gay gắt của thời tiết, giải pháp ngăn chia các không gian chính – phụ theo chiều ngang của ngôi nhà là một sự sắp đặt chủ động việc nhận nhiệt và tránh nhiệt theo từng khoảng thời gian trong ngày: Phòng ngủ phân bố ở hướng Đông, các phần kết nối, không gian chung nằm ở hướng Tây ngôi nhà. Nhờ đó, các phòng của những sinh hoạt khác nhau được che chở và tính toán theo thời gian sử dụng, tận dụng đối lưu thông gió, lấy sáng xuyên suốt giúp không gian thoáng vào mùa nắng và ấm vào mùa mưa.
Không có đủ diện tích để tạo nên một khu vườn cho ngôi nhà, kiến trúc sư đã khéo léo đan xen từng mảng xanh nhỏ vào các khoảng không gian của nhà. Màu xanh của cây cối góp phần làm nhẹ nhàng khối bê tông nặng nề và khô khan, mang thiên nhiên đến gần hơn với cuộc sống con người và tạo nên một bức tường xanh bảo vệ nhẹ nhàng đời sống riêng tư của gia chủ.
Một căn nhà không đơn giản chỉ là mái che mưa nắng, đi về. Nó còn là nơi tạo nên sự gắn kết thương yêu của mỗi thành viên của gia đình. Một thiết kế liên thông các không gian chính là điều kiện khuyến khích việc giao tiếp giữa mọi người trong nhà, khơi gợi cảm giác ấm cúng, thân thuộc. Nó cũng là nơi định hình phong cách sống thông qua lựa chọn sự kết hợp của vật liệu gỗ cùng với vật liệu trần được xử lý thô và nền nhá lát đá tự nhiên mài trơn, sự tối giản về màu sắc, tương phản trong cấu trúc vật liệu, sự tiết chế sử dụng nội thất. Ngôi nhà – tổ ấm mang đến cho con người cảm nhận tinh thần sống tối giản mà tinh tế và thanh lịch.
Thông tin công trình:
Văn phòng: BHA ARCHITECTS
Nhóm thiết kế: Nguyễn Xuân Minh, Võ Văn Quả, Phan Thị Nguyệt Minh, Phạm Việt Anh.
The Empire chỉ có bất động sản thấp tầng, với loạt tiện ích hiện đại như công viên biển tạo sóng, hồ...
Từ vị trí đắc địa, thiết kế độc đáo đến hệ tiện ích nội - ngoại khu đẳng cấp, The Aston Luxury Resid...
Sự kiện ra mắt sa bàn dự án căn hộ cuối cùng của Vinhomes Grand Park diễn ra trong ba ngày từ 26/4 đ...